Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị thông tin thời sự quý I năm 2023; triển khai Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư.
Quang cảnh Hội nghị thông tin thời sự quý I năm 2023; triển khai Quy định số 85 của Ban Bí thư
Tại hội nghị, ông Đỗ Quyết Thắng – Phó trưởng Phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã triển khai Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội gắn với văn hóa giao tiếp trên không gian mạng.
Ông Thắng cho biết, Quy định 85 của Ban Bí thư ban hành trong bối cảnh thông tin trên Internet và mạng xã hội nở rộ với nhiều công nghệ, ứng dụng đang tạo ra những tiện ích rất lớn cho con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thống kê của một công ty của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực Internet, trong năm 2022, cứ mỗi phút có 240 ngàn hình ảnh được đưa lên Facebook, 575 ngàn dòng tin đưa lên Twitter, 167 triệu lượt xem video trên TikTok và 5,7 triệu lượt tìm kiếm trên Google cho thấy số lượng thông tin con người truy cập ngày càng nhiều.
Tại Việt Nam, liên quan đến tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới năm 2022 có khoảng 74 triệu tài khoản Facebook, 62,5 triệu tài khoản youtube, 12 triệu Instagram, hơn 60 triệu Zalo, đặc biệt năm 2022 có 39,9 triệu tài khoản TikTok thì năm 2023 lên đến 49,9 triệu.
Thời gian qua, những vấn đề liên quan đến sử dụng các ứng dụng qua công nghệ, đặc biệt ứng dụng AI với chatGPT, Deepface để thực hiện các hoạt động lừa đảo, chống phá Đảng và Nhà nước. “Câu hỏi đặt ra cán bộ đảng viên đang ở đâu trên không gian mạng?”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, trong thời gian qua, với việc theo dõi, nắm bắt tình hình của công chúng, người dân đối với việc giao tiếp, tương tác trên không gian mạng thì có bộ phận cán bộ đảng viên tương tác trên không gian mạng đã tích cực lan truyền thông tin tốt, bước đầu thực hiện các hoạt động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái nhưng bộ phận này chiếm không nhiều.
Có bộ phận cán bộ đảng viên tiếp xúc trên không gian mạng một cách thụ động, thờ ơ, không có ý thức trong việc chủ động phòng chống và hỗ trợ trong công tác đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái. Cá biệt có tình trạng cán bộ đảng viên tham gia vào không gian mạng bằng những phương thức, nội dung và hành vi không phù hợp. Đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa kiểm chứng, hoặc sai, hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, nhất là liên quan đến cán bộ đảng viên, lãnh đạo quản lý, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp.
Bộ phận khác nhân danh chống tiêu cực lãng phí nhưng lại cắt xén ý kiến bài viết của người khác, nhất là của các đồng chí lãnh đạo rồi công kích, miệt thị, phản bác, thậm chí thách thức các đồng chí lãnh đạo có những phản hồi. Có những đảng viên thiếu thông tin hoặc cố tình cắt xén thông tin rồi suy diễn một cách phi lý.
“Vì thế, trước những cơ hội, thách thức của Internet cần phải có những chủ trương, chính sách, giải pháp giúp cho cán bộ, đảng viên chủ động giao tiếp, tương tác trên không gian mạng”, ông Thắng nói.
Với Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội gắn với văn hóa giao tiếp trên không gian mạng gồm 3 chương, 4 trang và 5 điều.
Quy định 85 nói rõ mục đích đảm bảo nguyên tắc nâng cao vai trò, nâng cao trách nhiệm của cấp tỉnh, tổ chức đảng, của cán bộ đảng viên trong việc quản lý, thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần bảo vệ chính trị nội bộ, phòng ngừa và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ Internet và mạng xã hội. Đặc biệt là việc ngăn chặn kịp thời các hành vi đăng tải các tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Nội dung này cũng đòi hỏi cán bộ và đảng viên khi thực hiện việc thiết lập, vận hành và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân phải đảm bảo vai trò trong công tác; phát huy được tính tiền phong, gương mẫu khi sử dụng, thiết lập và vận hành để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác có hiệu quả đối với những quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời xây dựng một môi trường Internet, mạng xã hội văn minh, lành mạnh, an toàn.
Trước đó, tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia) đã thông tin thời sự quý I năm 2023; tình hình kinh tế – xã hội trong nước, những yếu tố tác động đến tình hình kinh tế xã hội trong nước và TP.HCM gắn với Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
N.Trinh
Bình luận (0)