Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sử dụng vốn ODA cho giáo dục còn bất cập

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (UBVHGDTTN&NĐQH) về kết quả giám sát chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA) với giáo dục (GD) cho thấy việc sử dụng nguồn vốn còn nhiều chậm trễ.

Trong giai đoạn 2004-2014, Việt Nam đã thu hút được khá nhiều dự án ODA với tổng số vốn ký kết đạt 2,157 tỷ đô la Mỹ (số liệu theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư), trong đó vốn vay chiếm khoảng 71,9%, vốn không hoàn lại chiếm 14,5% và 13,6% vốn đối ứng.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện 26 dự án thuộc lĩnh vực GD-ĐT, gồm 10 dự án viện trợ không hoàn lại và 16 dự án vay ưu đãi, với tổng kinh phí được phê duyệt là trên 1.925,39 triệu đô la Mỹ, trong đó có trên 1.390,18 triệu đô la vốn vay, 300,66 triệu đô la vốn viện trợ và 234,55 triệu đô la vốn đối ứng. Trong số 26 dự án đã được phê duyệt triển khai, có 14 dự án đã kết thúc và 12 dự án đang triển khai, trong đó dự án có thời gian triển khai dài nhất là đến năm 2019.

Còn Bộ LĐ-TB&XH quản lý 12 dự án ODA thuộc lĩnh vực dạy nghề, gồm 6 dự án sử dụng nguồn vốn không hoàn lại và 6 dự án sử dụng vốn vay với tổng mức đầu tư ước tính là 232,27 triệu đô la Mỹ, trong đó viện trợ không hoàn lại khoảng 13,66 triệu đô la và vốn đối ứng là 57,75 triệu đô la Mỹ.

Theo nhận định, số lượng dự án và tỉ lệ vốn ODA huy động trong lĩnh vực GD còn khiêm tốn, chỉ khoảng 80 dự án cho cả giai đoạn 2004-2014 với tổng số vốn ký kết chiếm khoảng 3,5% tổng số vốn ODA của cả nước.

Còn bất cập

Cũng theo báo cáo, tiến độ thực hiện các dự án ODA cho GD mặc dù đều có kế hoạch, lộ trình, phân kì thực hiện cụ thể nhưng tiến độ triển khai của hầu hết các dự án đều rất chậm trễ, nhất là trong giai đoạn đầu khởi động, dẫn đến gia hạn thực hiện. Một số dự án đầu tư lớn còn bị chậm tiến độ đáng kể như xây dựng Trường ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội, Dự án xây dựng ĐH Việt – Đức, Dự án thành lập 5 trường CĐ nghề Việt – Hàn.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do phạm vi triển khai các dự án rộng, nhất là đối với dự án GD phổ thông, và được thực hiện chủ yếu tại các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn trong khi năng lực thực hiện, cơ sở thụ hưởng còn hạn chế. Quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến việc phê duyệt dự án, tiếp nhận viện trợ, điều chỉnh dự án và gia hạn dự án còn phức tạp. Một số quy định về thủ tục, định mức chi phí và quản lý tài chính giữa các nhà tài trợ và phía Việt Nam còn có nhiều khác biệt nên cần thời gian để đàm phán, thống nhất. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác cũng đã được chỉ ra.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ

Từ những hạn chế trên, UBVHGDTTN&NĐ QH kiến nghị, cần xây dựng chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế.

Sử dụng vốn ODA tập trung cho các mục tiêu ưu tiên của ngành GD cũng như của từng cấp học, bậc học, tránh đầu tư tràn lan. Cần nghiên cứu điều chỉnh quy định nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan đến tất cả các khâu trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án, hài hòa hóa quy trình và thủ tục giữa Việt Nam với các nhà đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, đấu thầu… Một biện pháp nữa là cần phải công khai minh bạch và chia sẻ thông tin về ODA. Tăng cường năng lực cán bộ quản lý dự án, đặc biệt là cấp địa phương theo hướng chuyên nghiệp và bền vững…

Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)