Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Sứ giả “công ước không bom mìn”

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Phạm Quý Thí trao đổi với phóng viên
“Tôi là một người nông dân, hàng ngày phải vác cuốc ra đồng lao động vất vả để mưu sinh. Đất nước đã hòa bình mấy chục năm rồi nhưng vẫn còn tiếng bom nổ, người dân vẫn phải đổ máu vì bom đạn chiến tranh còn sót lại…”. Đó là câu trả lời của ông Phạm Quý Thí (quê xã Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị) – một nạn nhân của bom mìn – khi được phóng viên hỏi tại hội nghị các quốc gia thành viên “Công ước bom mìn sát thương” tổ chức ở Campuchia.
Tình yêu vực dậy niềm tin
“Tôi đã từng hết muốn sống khi tỉnh dậy trong bệnh xá thấy cơ thể không còn nguyên vẹn…”, ông Thí bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về cuộc đời kém may của mình. Năm đó ông tròn 22 tuổi. Thời điểm đất nước thống nhất đã hai năm. Một lần đang cuốc ruộng, quả bom bi phát nổ đã chặt lìa nửa cánh tay phải của ông cùng nhiều vết thương nặng khác trên cơ thể.
5 tháng ròng rã điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, ông như rơi vào tuyệt vọng cùng cực. Ở vào độ tuổi tươi đẹp nhất đời người, trong tích tắc chàng thanh niên khỏe mạnh trở thành người tàn phế. Những ngày tiếp đó ông bắt đầu tập làm quen với mọi việc chỉ bằng một tay, từ sinh hoạt cá nhân, cho đến những công việc đồng áng. Đôi lúc nản lòng định buông xuôi nhưng nhìn thấy mẹ vất vả tất bật ngoài đồng, ông tự nhủ lòng cố gắng. Dù gì ông cũng là chỗ dựa của mẹ già. Công việc của người nông dân là đồng ruộng, cái cày, con trâu, không có nhiều sự lựa chọn cho một người khuyết tật như mình, ông nghĩ và quyết tâm làm tất cả mọi việc như trước đây từng làm.
Cảm động trước nghị lực của ông, 3 năm sau ngày bị nạn, có một người con gái cùng làng tên Trần Thị Tám tình nguyện lấy ông. “Chính tình yêu của cô ấy là động lực giúp tôi có niềm tin để sống”, ông Thí nhìn vợ cười hiền. Vượt qua nhiều rào cản, hai vợ chồng có với nhau 3 đứa con khỏe mạnh. Có tình yêu, ông như thấy mình khỏe hơn, kham tất cả mọi việc, từ đồng áng đến chăn nuôi, vườn tược… tất tật từ khâu gieo, xịt thuốc, gặt.
Quê ông chủ yếu làm lúa. Kinh tế nhờ vào lúa. Nhưng mỗi năm chỉ có 3 tháng gieo trồng, thu hoạch. Thời gian còn lại bà con phiêu bạt khắp các vùng gò đồi rà phá phế liệu chiến tranh kiếm thêm thu nhập. Nhiều cái chết thương tâm xảy ra. Là nạn nhân của chính nỗi đau chiến tranh, ông Thí vào cuộc vận động bà con bỏ nghề. Một ngày, hai ngày bà con không thông, ông kiên trì vận động một năm, hai năm, đến lúc cả xã không còn nhà nào đi rà phế liệu nữa. Năm 2004, ông Thí đứng ra thành lập CLB Người khuyết tật ở xã, với 65 thành viên tham gia sinh hoạt, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, công việc làm ăn, giúp nhau làm kinh tế. Ông kêu gọi tài trợ để mở các lớp dạy nghề cho người khuyết tật, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Đến năm 2008, ông thành lập CLB Thể thao người khuyết tật huyện Hải Lăng, tổ chức các môn như bơi lội, cầu lông, ném lao, đẩy tạ, xe lăn, xe lắc…. Với tư cách Chủ nhiệm CLB, ông Thí cũng là người đi đầu tích cực tham gia các môn thể thao này và đã đưa về cho huyện nhà rất nhiều huy chương trong các dịp thi đấu cấp tỉnh.
Sứ giả hòa bình
Tiếp xúc với chương trình làm việc của Dự án Renew (một tổ chức phi chính phủ của Đức, hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn), ông Thí nghiệm ra một điều, chính những nạn nhân như mình cần phải tuyên truyền để người khác hiểu, tránh xa bom mìn. Vì vậy ông đã nộp đơn tình nguyện đi tuyên truyền giáo dục phòng tránh bom mìn tại các trường học, khu dân cư. Từ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tiếp xúc, làm việc với nạn nhân bom mìn, ông đã mạnh dạn tham gia vào sáng kiến “Người vận động” do Tổ chức Handicap International (Bỉ) tài trợ nhằm ủng hộ “Công ước bom mìn”. Đây là một công cụ quan trọng của pháp luật quốc tế cấm sử dụng, sản xuất, vận chuyển và tàng trữ bom chùm, đồng thời hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Tháng 5-2008, lần đầu tiên trong đời, ông Thí rời lũy tre làng để đến thủ đô Dublin (Bắc Ailen) tham dự một hội nghị về bom mìn với sứ mạng đặc biệt. Tại đây, 107 quốc gia tham dự đã đi đến được một cam kết quan trọng đặt nền móng cho việc ký kết “Công ước bom mìn” tại Oslo (Na Uy) vào tháng 12-2008. Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam, ông Thí đã cùng với nhóm của mình gặp và kể chuyện về hậu quả do bom chùm, bom bi gây ra đối với những nạn nhân như ông cho các đại biểu tham gia hội nghị hiểu rõ về tác hại, sự nguy hiểm của nó. Sau chuyến đi đó, ông liên tục được mời đi các nước Na Uy, Bỉ, Indonesia, Đức, Lào, Campuchia, Li-băng… vận động các nước ký vào “Công ước bom mìn”. Còn nhớ lần một phóng viên người Mỹ hỏi ông: “Tại sao ông lại bị thương? Tại sao ông đến với hội nghị này?”. Câu trả lời của ông khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt: “Tôi là một người nông dân, hàng ngày phải vác cuốc ra đồng lao động vất vả để mưu sinh. Đất nước đã hòa bình mấy chục năm rồi nhưng vẫn còn tiếng bom nổ, người dân vẫn phải đổ máu vì bom đạn chiến tranh còn sót lại. Hôm nay tôi đến đây để góp tiếng nói mong muốn một cuộc sống thanh bình không chỉ cho riêng dân tộc mình”. Ông Thí bộc bạch: “Sự mất mát nào cũng để lại nỗi đau, nhưng mất mát vì bom đạn là sự mất mát vô duyên và đau đớn nhất”. Đó là lý do ông tham gia làm tình nguyện viên tuyên truyền chống chiến tranh.
Vĩnh Yên – Thanh Lê
Sứ giả hòa bình Phạm Quý Thí bảo, điều ông mong mỏi nhất là Việt Nam sẽ sớm tham gia công ước này để nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên đất nước mình, đặc biệt là trên mảnh đất Quảng Trị!
 

Bình luận (0)