Nhắc đến cụm từ “thế giới phẳng”, hẳn chúng ta nghĩ ngay đến tác phẩm cùng tên nổi tiếng của Thomas Friedman, phát hành vào năm 2005, bản tiếng Việt phát hành năm 2006.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) thực hành thí nghiệm trong môn hóa học. Ảnh: Y.Hoa
Theo tinh thần của tác phẩm này, thế giới phẳng đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi những nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị – xã hội đã bị thay đổi, và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước. Trong bối cảnh đó, việc học cũng chịu những tác động lớn lao, đến độ có lẽ chúng ta không thể học (và dạy) như cách truyền thống…
Về sự học, theo Friedman, ngoài kiến thức thông thường như toán học, khoa học…, người học cần trang bị thêm kiến thức liên quan đến 4 nguyên tắc: sáng tạo, sự hợp tác, sự đối thoại, tư duy phản biện để có thể tồn tại trong thế giới biến đổi rất nhanh và có nhiều cạnh tranh như hiện nay. Xét cho cùng, để sự học đạt hiệu quả cao nhất, tất cả chúng ta đều không thể bỏ qua 4 nguyên tắc đó.
Sáng tạo có thể coi là một phẩm chất đòi hỏi ngày càng cao của người học hiện nay và trong tương lai. Ta thử hình dung, nhiều người sẽ nghĩ, đến thời điểm này, con người đã “giẫm mòn” gần như tất cả các bề mặt của thế giới, của xã hội, vậy còn gì để sáng tạo. Thế nhưng, sự sáng tạo là không có giới hạn, mà chính sự sáng tạo đã làm thế giới có hình dạng như ngày nay sẽ tiếp tục biến đổi trong thời gian tới, đồng thời có thể làm cho người này khác người kia, làm cho kết quả việc học của mỗi người khác nhau, chứ không phải chỉ là năng lực hay sự chuyên cần. Làm một bài văn, người chuyên cần có thể đọc nhiều bài văn mẫu, rồi trích chỗ này một chút, chỗ kia một chút một cách hợp lý để ra bài văn mới. Người có tư duy tốt hơn, sẽ lĩnh hội cái hay của từng bài văn đó rồi vận dụng thành văn của mình, hồn của mình, bài văn mới sẽ sống động hơn. Người sáng tạo có thể nhìn bằng góc nhìn khác, có thể khác với số đông, nhưng quan trọng là cách lý giải, thuyết phục, có khi chưa làm mọi người thỏa mãn nhưng ít nhất cũng sẽ gợi mở để người khác cùng suy nghĩ. Hay trong toán, vật lý, hóa học…, đâu phải cứ theo công thức mà vận dụng, nhiều trường hợp cần có sự tiếp cận mới theo hướng bám sát thực tiễn hơn.
Lâu nay, nhiều người nước ngoài cho rằng sự hợp tác của người Việt là chưa tốt. Có người còn nêu ra thí dụ: một công nhân Nhật Bản và một công nhân Việt Nam làm có năng suất tương đương nhau, nhưng một nhóm phối hợp giữa 3 công nhân Nhật Bản thì hiệu quả hơn hẳn nhóm tương tự của người Việt. Tất nhiên đây chỉ là một thí dụ, không phải một khẳng định, nhưng nếu nhìn trên thực tế, sự phối hợp, bổ sung cho nhau của các nhóm người Việt để thực hiện chung một kế hoạch, một mục tiêu thường không tốt lắm. Điều này có phần quan trọng xuất phát từ việc rèn luyện lúc nhỏ. Nhiều năm trước, học sinh gần như hoạt động học tập đơn lẻ, hiếm khi được trao cơ hội làm việc nhóm; điều này gần đây đã được khắc phục tốt hơn. Chính sự hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung, như làm bài tập nhóm, thuyết trình, vẽ bản đồ, thực hiện các sản phẩm, tham gia sinh hoạt tập thể…, sẽ giúp trẻ có tư duy và kỹ năng phối hợp tốt hơn. Vì vậy, học sinh cần được chú ý tổ chức các hoạt động nhóm và tập thể, từ đây không chỉ để đạt hiệu quả làm việc cao hơn mà còn hình thành nên những cá nhân có óc tổ chức, quản trị, lãnh đạo, cũng như dần rèn luyện thói quen biết lắng nghe, biết chia sẻ…
Bên cạnh đó, đối thoại cũng là một hoạt động ít được thể hiện trong nhà trường thời gian qua. Có thể học sinh đối thoại với nhau, học sinh đối thoại với giáo viên, học sinh đối thoại với ban giám hiệu, học sinh đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục… Quan điểm giáo dục một chiều, áp đặt thường ít tạo cơ hội cho hoạt động đối thoại, bởi người lớn thì không muốn lắng nghe, hoặc tự cho là không cần nghe, học sinh thì rụt rè, ít dám phát biểu hoặc muốn nói nhưng không biết nói như thế nào. Thực tế cho thấy, có đối thoại thì các bên mới hiểu nhau, mới chia sẻ được điều của mình cho người khác, mới tìm ra được các phương thức hợp tác hoặc hoạt động mới tích cực, có hiệu quả hơn. Hơn nữa, khi đã có quan điểm người học là trung tâm thì việc đối thoại để người dạy và nhà quản lý hiểu rõ hơn người học cần gì, muốn gì và cảm thấy hài lòng hay không hài lòng với điều gì để có sự điều chỉnh hợp lý.
Học sinh Trường THPT Tenlơman (TP.HCM) nghiên cứu khoa học trong một hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: Y.Hoa
Cuối cùng, yếu tố phản biện cũng cần được quan tâm đúng mức và tổ chức thực hiện trên thực tế. Phản biện là trao đổi, góp ý, kể cả phản đối, với một chủ thể khác về một vấn đề nào đó nhằm làm vấn đề đó đạt được kết quả tốt đẹp hơn. Ở nhà trường, tâm lý áp đặt và một chiều vốn còn nặng nề nên hoạt động phản biện còn hạn chế. Học sinh dù cảm thấy không hợp lý, có ấm ức nhưng ít khi dám nói và nói một cách thuyết phục với giáo viên, ban giám hiệu. Chẳng hạn, lớp tổ chức bầu chọn lớp trưởng, giáo viên đề cử 1 bạn, lớp đề cử 1 bạn khác, dù nhiều học sinh biết rằng bạn được giáo viên giới thiệu không được lòng các bạn nhưng cũng ít dám nói lên điều đó, vì sợ “bị để ý” vì “chống đối”, vì e ngại không được tiếp thu, vì lo mất lòng bạn kia… Hay khi giáo viên có bài giảng không thực sự phù hợp thì cũng không mấy khi có học sinh nào “nói lại”, cũng vì tâm lý đó. Còn bản thân giáo viên thì chủ quan hoặc ít tạo điều kiện để học sinh tranh luận, lâu dần mất hẳn việc trao đổi thẳng thắn trên lớp. Chính điều này làm trẻ khi lớn lên, khả năng phản biện không tốt, dẫn đến một tình trạng mà nhiều người hay nói, đó là thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, chấp nhận mọi thứ như thực tế có sẵn chứ không dám làm khác đi…
Suy cho cùng, trong thế giới phẳng, sự kết nối giữa con người với nhau gần hơn đã đành mà chính kiến thức cũng dễ dàng đến với từng người hơn, nhất là với người học, do tài nguyên vô tận từ mạng internet. Chính điều đó, người học tự bản thân có thể chủ động hơn rất nhiều, còn người dạy thì phải tự ý thức rằng mình không thể áp đặt được nữa, từ kiến thức cho đến ứng xử, từ nội dung cho đến cách thức. Người dạy cũng phải nhìn nhận được một điều quan trọng là kiến thức ngày hôm qua là đúng đắn nhưng đến ngày mai thì chưa hẳn đã đúng. Bên cạnh đó, bản thân người dạy cũng có lúc phải là một người học, trong một môi trường khác; và điều mà người dạy trong vai trò người học mong muốn thì phải cố gắng thể hiện với người học của mình khi bản thân trở lại vai của người dạy. Cũng như vậy, nhà quản lý giáo dục cũng không thể xem học sinh, người chỉ lắng nghe và chấp hành. Người học thực sự cần phải được tôn trọng nhiều hơn, tạo điều kiện để sáng tạo nhiều hơn, phối hợp với nhau tốt hơn, đối thoại bằng nhiều hình thức hơn, tạo cơ hội phản biện nhiều hơn… Tốt hơn hết là đừng có “đóng khung” mọi thứ, bởi chính điều đó làm cho xã hội chậm phát triển, thậm chí trì trệ hơn. Mà trong thế giới phẳng, sự trì trệ có mức độ tác hại nghiêm trọng hơn nhiều so với các xã hội trước đây!
Trịnh Minh Giang
Bình luận (0)