Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sự khác biệt cũng làm nên cơ hội

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân trao đổi thông tin tại các gian hàng tư vấn

Dù là ngày chủ nhật (24-2), nhưng các bạn học sinh (HS) lớp 12 Trường THTP Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) đã có buổi trao đổi thú vị với các thành viên Ban tư vấn chương trình tuyển sinh ĐH, CĐ “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức.
Sáng tạo nghệ thuật: Rất cần
Thay vì đưa ra những câu hỏi có liên quan đến ngành nghề trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, nhiều em HS lại đem những băn khoăn về sở thích hơi… khác người của mình trao đổi cùng Ban tư vấn.
Em Nguyễn Thanh Lê, HS lớp 12D14, băn khoăn: “Em rất thích sáng tạo và chế những món đồ lặt vặt để giải trí hoặc trưng bày. Đôi khi, nó chỉ là chiếc móc chìa khóa, chiếc túi hay bất cứ một món đồ nào được tái chế từ những vật dụng bỏ đi cũng khiến em thích thú. Nhưng em không biết có ngành nào phù hợp với sở thích quái dị của em hay không?”. Trước băn khoăn của em HS này, TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác HSSV (ĐHQG TP.HCM), nhận định: Giới trẻ hiện nay có rất nhiều người thích thú với việc tự mình tạo ra một sản phẩm mang tính giải trí hoặc ứng dụng theo lối suy nghĩ và thẩm mỹ của mình. “Nếu nhận thấy mình khéo tay và có năng khiếu về thẩm mỹ, em nên đi theo các ngành liên quan đến mỹ thuật công nghiệp vì những ngành này mang tính sáng tạo các sản phẩm  áp dụng vào đời sống. Ngành này sẽ có khá nhiều công việc để em lựa chọn như thiết kế nội thất: Tạo dáng đồ nhựa, đồ gỗ, gốm, sứ, thủy tinh; thiết kế đồ chơi trẻ em; thiết kế và trang trí các sản phẩm kim loại; thiết kế thời trang: Trang sức, các sản phẩm da, giày, túi xách; thiết kế kiểu dáng các phương tiện giao thông… Đây là một ngành đòi hỏi sự đam mê và sáng tạo, cơ hội việc làm của ngành mỹ thuật công nghiệp khá rộng mở vì rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần đến sản phẩm sáng tạo này”, TS. Lê Thị Thanh Mai tư vấn.
Hay em Lê Tường Ân, HS lớp 12D4, cũng trăn trở: “Em rất thích vẽ và có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là vẽ trong… giờ học các môn khác. Tuy nhiên, những hình vẽ của em lại không chỉ là mô phỏng một nhân vật hay hiện tượng đơn thuần mà mang một vẻ sáng tạo theo kiểu… nổi loạn, được cách điệu không giống với bản chất trước đó”. Ông Bùi Ngọc Anh, Phó giám đốc đào tạo Trường Đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena, khẳng định rằng trong nghệ thuật, nhất là những tác phẩm được thể hiện dưới dạng hình ảnh, đường nét, nỗi lo ngại lớn nhất của người tạo ra nó là lối mòn. Do đó, sẽ là may mắn nếu người tạo ra những sản phẩm này có một nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. “Theo như những gì em nói thì em rất có khả năng đối với hội họa, nhất là cái nhìn khiến cho hình ảnh của mình trở nên khác biệt. Em lại có thêm khả năng sáng tạo trong bất cứ môi trường nào. Tôi nghĩ, đây là những tố chất cần thiết để em đi theo các ngành liên quan đến mỹ thuật ứng dụng như thiết kế đồ họa, kỹ thuật số trong phim ảnh, quảng cáo, thiết kế 3D… Nhưng điều em nên chấn chỉnh đầu tiên là thái độ học nghiêm túc với những môn khác vì chỉ vẽ giỏi thôi thì chưa đủ mà còn cần phải có thêm kiến thức tự nhiên, xã hội để đáp ứng cho kỳ thi ĐH, CĐ cũng như hiểu biết sau này”, ông Bùi Ngọc Anh khuyên.
Đàn ông cũng có thể làm… đầu bếp
Cũng đem những suy nghĩ… không giống ai trao đổi với Ban tư vấn, HS Trần Mạnh Hùng tâm sự rằng em có khả năng nấu ăn ngon và rất muốn theo ngành này. Tuy nhiên, em lại gặp phải sự phản đối từ các thành viên trong gia đình. “Ba mẹ em cho rằng, việc bếp núc không phải là điều một người con trai nên làm và buộc em phải thi vào một trường ĐH nào đó. Bản thân em cũng rất mơ hồ về cách tuyển sinh, trường giảng dạy cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường nếu theo ngành nghề này”, Trần Mạnh Hùng nói. Quả thực, tâm sự này cũng là nỗi niềm “không biết tỏ cùng ai” của nhiều chàng trai trót thích công việc bếp núc vì khi nói ra sợ bạn bè và những người xung quanh cười chê.
ThS. Trần Anh Đức (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho hay hiện có rất nhiều trường TCCN, CĐ, ĐH đào tạo quy trình chế biến, trang trí các món ăn theo nhiều nền văn hóa khác nhau. “Trên thực tế, đầu bếp tại các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới đều do nam phụ trách. Điều đó cho thấy khả năng khéo léo và trách nhiệm của nam trong việc bếp núc cũng không thua kém so với nữ. Nhu cầu của ngành học này khá rộng mở vì hệ thống nhà hàng, khách sạn hiện mọc lên khá nhiều. Bên cạnh đó, do nhu cầu du lịch của khách quốc tế đến Việt Nam nên việc tuyển dụng những đầu bếp có khả năng đáp ứng thị hiếu và yêu cầu của du khách là điều hết sức cần thiết. Trong những năm gần đây, một số trường ĐH tại TP.HCM như ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm kỹ thuật… cũng đã mở ngành kinh tế gia đình hệ ĐH chính quy nhằm đáp ứng cho những sinh viên có nhu cầu học các công thức liên quan đến chế biến món ăn. Khối thi của ngành này là A, B…”, ThS. Trần Anh Đức khẳng định.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)