Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sự lầm lẫn về mục tiêu của giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Mục tiêu của giáo dục không phải hướng đến việc ban phát bằng cấp cho người học. Mục tiêu của giáo dục là cung cấp tri thức, các kỹ năng hành xử và tư duy cũng như những phương cách nhằm phát triển năng lực riêng có của mỗi cá nhân. Từ đó, họ có thể trở thành một công dân có ích.

Vì vậy trong nghiên cứu xã hội học giáo dục, người ta đánh giá thành quả của giáo dục không chỉ qua bằng cấp hay số năm theo học tại trường mà còn là đánh giá “năng lực giáo dục” của mỗi người. Nghĩa là người ta xem con người có làm được những điều tương xứng với số năm đi học hay bằng cấp mà họ đã đạt được hay không. Sự lầm lẫn về mục tiêu của giáo dục đã tạo ra khuynh hướng chạy đua theo bằng cấp hết sức tai hại mà hiện chúng ta đang phải chứng kiến với những biến thể rất đau lòng.
Bên cạnh đó, giáo dục nước ta có một nghịch lý là hễ cứ đậu đầu vào thì chắc chắn phải có đầu ra. Vì vậy những cuộc thi đầu vào luôn rất chặt chẽ trong khi thi đầu ra lại nhẹ nhàng. Điều này dẫn đến suy nghĩ ai không tốt nghiệp đại học được, không qua được các kỳ thi đầu ra là điều gì đó rất bất thường. Vì cho đó là bất thường nên nhiều người học khó chấp nhận hay không thể chấp nhận việc không qua được các kỳ thi đầu ra và nghĩ chắc mình bị trù dập hay ghét bỏ mới như thế. Từ đó dẫn đến những cách hành xử cực đoan.
Ở nước ta hầu như không có trường đại học nào thành lập phòng tái định hướng cho người học.
Ở các trường đại học tại những nước phát triển luôn có loại phòng tái định hướng này giúp người học chọn đúng con đường đi phù hợp với năng lực của mình. Hằng năm, bộ phận có chức năng sẽ liệt kê những sinh viên (kể cả bậc cao học) có kết quả học tập quá kém, giới thiệu họ sang phòng tái định hướng. Phòng này sẽ phân tích cho người học thấy rõ khả năng của mình (không đủ phẩm chất để học đại học hoặc cao học chẳng hạn), và giới thiệu những khả năng khác phù hợp với năng lực của họ.
Theo tôi, sự thiếu vắng công tác này trong hệ thống giáo dục của chúng ta khiến những sinh viên kém năng lực phải tự xoay xở, quay cuồng trong bất lực. Mà sinh viên năng lực học kém thì nhận thức cũng kém nên chuyện họ thực hiện những hành vi lệch chuẩn là điều rất có khả năng xảy ra.
LÊ MINH TIẾN (giảng viên xã hội học)
TTO

Bình luận (0)