Y tế - Văn hóaThư giãn

Sự lợi hại của thế giới mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, không thể phủ nhận ảnh hưởng của thế giới mạng đang làm thay đổi thói quen đọc sách và cả thói quen sáng tác. Tháng 12-2012, Nguyễn Phong Việt, một cái tên khá xa lạ với văn đàn Việt Nam ra mắt tập thơ Đi qua thương nhớ.
Ngay lập tức, tập thơ gây xôn xao không phải từ nội dung tác phẩm mà ở con số sách bán ra, 10.000 bản cho lần xuất bản đầu tiên, 10.000 bản cho lần tái bản, rồi lại 10.000 cho lần tái bản tiếp theo, một con số không thể tin được với một tập thơ xuất bản tại Việt Nam. tập thơ thứ hai của anh ra đời vào cuối năm 2013 lại tiếp tục đứng đầu sách thơ bán chạy và cuối 2014, tập thứ ba ra mắt, lập tức bán được hơn 3.000 bản chỉ trong 10 ngày…
Hội sách TPHCM lần thứ 8 ghi nhận một cú sốc trong xuất bản khi Anh Khang, một cái tên xa lạ trong giới sáng tác lại có tác phẩm đứng đầu danh sách bán chạy nhất. Sự thành công của những tác giả trẻ này đã thổi một luồng sinh khí mới vào sáng tác của các cây bút trẻ khác, khi những cái tên như Hamlet Trương, Iris Cao, Sơn Paris, Phan Ý Yên… liên tục xuất hiện và cũng liên tục gây bất ngờ với số lượng sách bán ra.
Nhìn lại, có thể thấy có một mẫu số chung từ thành công của các tác giả trẻ vừa qua, đó là họ đều sử dụng mạng xã hội như một công cụ nền tảng để tiếp cận, tạo ấn tượng và kết nối với bạn đọc. Phong Việt làm thơ rồi đưa lên mạng xã hội, bạn đọc có thể tự do đọc, nhận xét, đánh giá, thậm chí thảo luận với tác giả. Dần dần các tác phẩm được giới trẻ biết đến và khi xuất bản được bạn đọc đón nhận.

Mạng xã hội còn là nơi tìm kiếm, tiếp nhận ý tưởng cho tác phẩm, như trường hợp của Iris Cao. Trước khi trở thành một nhà văn, Iris Cao là một cây bút nổi tiếng trên mạng xã hội về nhiều vấn đề trong cuộc sống, từ những tâm sự của các bạn trẻ đã giúp tác giả dù tuổi đời còn ít nhưng trong sáng tác lại thể hiện sự từng trải, có những chi tiết độc đáo đầy cảm xúc. Có thể nói, mạng truyền thông đã trở thành một môi trường tuyệt vời cho các cây bút mới và năng động. Ở đó họ tìm thấy đề tài sáng tác, hiểu được mong muốn của bạn đọc và đưa đến cho họ những món ăn tinh thần phù hợp nhất.
Sự thành công của những cây bút trẻ kể trên đã gây ra tranh cãi, một bên cho rằng các sáng tác trên chưa thể gọi là tác phẩm văn học thực sự, chúng mang nét tự nhiên chủ nghĩa, thuần túy thể hiện cảm xúc của người viết hơn là hướng đến một tư tưởng văn chương cao hơn. Việc chúng thành công về doanh số bán sách sẽ khiến mọi người hiểu sai về sáng tác, định hướng sáng tác sẽ chạy theo thị hiếu bạn đọc.
Phía phản biện thì lại cho rằng các tác phẩm thành công của các tác giả trẻ dù không thật sự xuất sắc về mặt văn chương nhưng đó vẫn là những tác phẩm văn học thực sự. Chúng phản ảnh tâm tư, tình cảm của thế hệ bạn đọc trẻ hôm nay và vì thế chúng cũng có vai trò riêng không thể phủ nhận.
Ở một góc độ trung dung hơn, sự thành công của dòng văn học trẻ vừa qua cho thấy những tín hiệu lạc quan. Nó góp phần không nhỏ tạo nên thói quen đọc sách ở những người trẻ vốn tưởng chừng đang mất đi. Mặt khác, việc sử dụng nhuần nhuyễn mạng truyền thông để tìm kiếm ý tưởng, tiếp nhận nhu cầu của bạn đọc và tổ chức quảng bá tác phẩm đã tạo nên một kinh nghiệm quan trọng trong giới sáng tác hiện nay.
Thực tế, nhiều cây bút nổi tiếng cũng đang dần dần tìm tới thế giới mạng để hỗ trợ sáng tác, tiếp cận bạn đọc.

Theo SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)