Giữa thời buổi “thừa thầy thiếu thợ”, việc chọn con đường học nghề là hết sức đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén, sự hiểu biết của học sinh. Ngoài ra, việc chọn con đường học nghề thể hiện sự trân trọng đối với nghề nghiệp và hướng tới tương lai bằng sự cố gắng của bản thân mình. Những năm tháng còn đi dạy, tôi thường khuyên học sinh hãy học lấy một nghề phù hợp khả năng của mình. Trong khi một số em thi vào các ngành “thời thượng” thì vẫn có những học sinh của tôi học trường CĐ nghề và thực tế chứng minh: các em ra trường và công tác tốt, ổn định ở những nghề đã được đào tạo. Học nghề còn có những cái lợi như rút ngắn thời gian học; ra trường tìm được việc làm ngay. Nếu tay nghề cao thì có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Từ đó càng nâng cao tay nghề và bằng sức lao động sáng tạo, các em sẽ có cuộc sống ổn định, vững vàng. Tôi không phủ nhận việc học ĐH sẽ có nền tảng kiến thức sâu hơn, cao hơn nhưng tìm việc làm đối với những tấm bằng nặng về lý thuyết quá khó khăn!
Những năm gần đây, việc học nghề đã có cái nhìn khác, đã có sự trân trọng hơn đối với người học. Chừng nào xã hội còn chuộng hư danh, còn nặng tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng” thì mọi người còn lao vào học ĐH, bất kể đầu ra như thế nào. Vừa mất thời gian, vừa tốn hao tiền bạc và cuối cùng phải chọn lại từ đầu.
Những trường hợp nghỉ học ĐH, chuyển sang học nghề cũng là những quyết định sáng suốt, kịp thời. Một năm, hai năm học ĐH coi như là kinh nghiệm, là “học phí” cho việc chọn nghề của mình.
Tôi luôn dành những tình cảm đẹp cho những học sinh biết chọn trường nghề để học; biết đi lên bằng đôi chân của mình, không dựa dẫm vào ai mà luôn dựa vào ý chí, nghị lực của mình.
Thạch Sa
Bình luận (0)