Không ít các cặp vợ chồng chia tay nhau chỉ vì lý do “nửa bên kia không hoàn hảo” (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.D.LONG |
Trong cuộc sống không phải ai cũng “hoàn hảo”, chuyện tình cảm vợ chồng cũng vậy. Một số người vì quá mơ mộng nên dẫn đến ngộ nhận, lấy nhau vì thích chạy theo cái “bóng” nên nay “hợp” mai “tan”, kết cục là một nỗi buồn.
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Nhận được tấm thiệp hồng của H., nhân viên kế toán hãng cà phê Thùy Vân (TP.Vũng Tàu), bạn bè ai cũng rất vui mừng. Đám cưới của H. được tổ chức long trọng ở khách sạn phố biển ngót nghét trăm mâm, với hơn nghìn khách tham dự. Hầu hết khách mời đều tấm tắc khen cô dâu, chú rể đẹp đôi, sau này H. sẽ sung sướng. Thế nhưng, chung sống với nhau chưa đầy ba tháng, H. nằng nặc đòi ly hôn, lý do rất đơn giản bởi chồng H. không chịu làm việc, ngày nào cũng tụ tập với bạn bè cùng khu phố đánh bài, chơi bời lêu lổng… Thấy chồng không có việc làm, H. chủ động vay mượn tiền mua xe máy và ít vốn để chồng buôn bán kiếm sống qua ngày, nhưng chồng H. từ chối, cho rằng không “xứng tầm”. Ngày ra tòa nước mắt sụt sùi, H. tâm sự “Chồng em không “hoàn hảo”, ổng chỉ được cái “mác đẹp trai” nhưng vô cùng lười nhác. Hai bên gia đình nội ngoại đóng góp ý kiến chân thành, mong sửa đổi tính nết, nhưng chồng em vẫn một mực không chịu tiếp thu, nhiều lúc nhìn chồng người ta làm quần quật, không có ngày nghỉ mà em buồn về chồng mình. Nếu trước đây em chịu lấy M. làm cùng cơ quan tuy có xấu trai một chút chắc đời em đã khác…”.
Chuyện của P. có khác, từ khi P. mang thai đứa con đầu lòng thì được chồng “ưu tiên” cho nghỉ ở nhà. P. ngày càng trở nên lười biếng, mọi công việc cô thuê ôsin về giải quyết. Trong khi đó chồng P. là một thợ hồ lương “ba cọc ba đồng” suốt ngày lăn lộn kiếm tiền về nuôi gia đình. Còn P. suốt ngày lượn lờ hết nhà này sang nhà khác để “buôn dưa lê” gây mất đoàn kết lối xóm, hết đi gội đầu, làm móng tay, lại cà phê với bạn bè. Thời gian còn lại, cô theo dõi quản lý chồng. Khi chồng về nhà, P. lén xem điện thoại của chồng, thấy số máy lạ là cô đòi chồng “giải trình”… Bị chồng góp ý thì P. “phản pháo” quyết liệt, cô thẳng thừng tuyên bố một câu xanh rờn: “Vì trót nhầm mới lấy phải anh, biết vậy ngày xưa lấy K. liên doanh dầu khí, thì đời tôi có đến nỗi nào, còn lấy anh thì lúc nào cũng hết tiền”. Tuy nhiên, sau khi tìm giải pháp chia tay, mỗi người một ngả, P. kết hôn với B. còn tồi tệ hơn người chồng cũ. Thật là trớ trêu “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. B. suốt ngày chơi bời, sáng đánh bài, chiều “ôm gà” đi “chọi”… Cuộc sống của P. nghèo vẫn hoàn nghèo.
Gánh nặng cho xã hội
Theo chuyên viên tâm lý Mai Mỹ Hạnh thì: “Ngày nay, không ít các cặp vợ chồng dẫn nhau ra tòa ly dị chỉ vì lý do “nửa bên kia không hoàn hảo”. Họ quan niệm rằng phải tìm cho mình được người tình lý tưởng. Thế nhưng, quy luật của tạo hóa sinh ra con người, trên thế gian này không có ai là “hoàn hảo”. Trong mỗi con người bao giờ cũng tồn tại hai phần sáng và tối, trong đời sống hôn nhân phải biết nhắm một mắt, và che bớt những “khiếm khuyết” để vợ chồng hòa thuận cùng nhau xây dựng ngôi nhà hạnh phúc”. Như vợ chồng ông Sự (quận 8 – TP.HCM), mặc dù ông rất “cù lần”, còn người vợ đảm đang, tài giỏi và sắc sảo. Gần 60 năm cuộc đời họ chưa bao giờ to tiếng với nhau. Từ bàn tay trắng cả hai đã cùng làm nên sự nghiệp. Họ luôn ý thức được văn hóa gia đình là nền tảng của xã hội, vì vậy trong cuộc sống vợ chồng không bao giờ biết ghen tuông, lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười. Bà Lan – vợ ông Sự cho biết: “Cuộc sống này chẳng có ai là “hoàn hảo”, đến các vị thiên tài cũng có những “khiếm khuyết” chứ đến gì vợ chồng tôi, mỗi người phải biết trân trọng giá trị của hạnh phúc”.
Hiện nay, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nhiều người yêu nhau chỉ là sự toan tính lợi dụng, yêu nhau chỉ nhìn vào độ dày mỏng chiếc “ví” của nhau. Nên nay “hợp” mai “tan”, thay đổi chồng hoặc vợ như thay áo, lấy nhau rồi họ bằng lòng với những gì đã có, chỉ cần “xung đột” nho nhỏ là dẫn nhau ra tòa ly dị, không tính đến hậu quả. Đã có không ít những đứa trẻ khi bố mẹ bỏ nhau, đang ngoan ngoãn trở nên hư hỏng, sa chân vào con đường tội lỗi, không lối thoát. Để lại gánh nặng cho xã hội.
Chuyên viên tâm lý Mai Mỹ Hạnh khẳng định: “Khi đã yêu, chấp nhận lấy nhau là phải chấp nhận mặt được và chưa được, để tìm được người chồng hoặc vợ mười phân vẹn mười chỉ là “ảo tưởng”. Cho dù bạn có mơ một người bạn đời “hoàn hảo” thì sự thật vẫn không bao giờ tìm thấy người đó trong cuộc sống. Bởi tất cả chúng ta là những người chưa “hoàn hảo” và không bao giờ “hoàn hảo”. Mọi sự so bì, tính toán, lợi dụng đều phải trả cái giá đắt, chuốc lấy hậu quả phũ phàng đau khổ cho hạnh phúc gia đình và cuộc sống lứa đôi mà thôi…”.
Thanh Hải
Bình luận (0)