Tòa soạnThư đi – tin lại

Sự lúng túng của người lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước vụ việc Hào Anh, cậu bé bị bạo hành năm xưa, ngược đãi cha mẹ mình. Nhiều luồng ý kiến khác nhau, các nhà phân tích tâm lý vào cuộc… Nhưng qua sự kiện này, có thể thấy, người lớn chúng ta đang lúng túng trước quá trình trưởng thành của trẻ.
Có lẽ sẽ là một Hào Anh khác nếu như bố mẹ em biết lắng nghe, biết chia sẻ những khó khăn của chàng trai đang bắt đầu chập chững bước vào đời, đang ở cái tuổi qua trẻ con nhưng chưa thành người lớn. Có lẽ sẽ là một Hào Anh khác nếu như xã hội thực sự cho em một cơ hội để hòa nhập. Sau những đòn roi dã man của ông bà chủ đầm tôm, Hào Anh có nhà, có tiền của những người hảo tâm, nhưng em lại cô đơn trong chính ngôi nhà đó. Dường như em không tìm được lối thoát ngoài việc cắm xe và bán điện thoại.
Khi sự việc xảy ra với Hào Anh vừa qua, tôi chợt nhớ đến hình ảnh con gái một chị bạn đồng nghiệp. Có lần nghe chị kể con gái chị năm nay lên lớp 11. Nghỉ hè vừa rồi, cháu xin đi đánh máy thuê. Mỗi ngày được trả 100 ngàn. Tôi nghĩ chắc chị bạn hài lòng về con gái mình. Nhưng được 4 hôm, chị thông báo con gái đã nghỉ việc. Lý do mỗi ngày cháu đi làm, chị phải đưa đi đón về, cộng với đó là phải cho thêm 50 ngàn tiền ăn. Tiền đánh máy sau 4 ngày được 400 ngàn, cộng với 200 ngàn tiền ăn mẹ cho nhưng cuối cùng cháu vẫn không có xu nào trong túi. Làm được đồng nào cháu mua hết đồ trên mạng. Thế là mới mấy ngày con đi làm, chị thấy các cửa hàng online mang đồ ùn ùn đến cơ quan, rồi chị lại nai lưng bù thêm tiền. Bức xúc nói với con thì nó bảo tại mẹ không mua xe máy cho con đi. Không chịu được, chị quyết định bắt con nghỉ làm.
Hay như một người bạn khác của tôi có con đang học năm thứ 3 một trường ĐH lớn tại Hà Nội. May mắn cho cháu là có bác làm giảng viên tại trường. Được học kỳ đầu, cô bé tỏ ra chăm chỉ học hành tuy có một hai môn phải thi lại. Sau khi nhờ người bác “cứu” một môn, từ học kỳ thứ hai, cô bé bắt đầu ỉ lại vào chỗ dựa của mình. Cứ hết học kỳ, cô bé lại mang danh sách các môn sẽ học trong học kỳ tới đến nhờ bác đăng ký tín chỉ giúp. Môn nào thi khó qua thì lại ới bác vài câu. Cứ như thế, giờ cô bé bước vào năm thứ 3, trong khi các bạn cày cuốc trên giảng đường thì cô bé ngày đêm đợi người yêu đưa xe sang đến đón đi chơi, chờ trên mạng khi nào xuất hiện mẫu váy áo mới, mẫu son mới.
Tôi bất chợt nhớ đến câu nói của GS. Hồ Ngọc Đại, trẻ em thế kỷ 21 không còn như trẻ em những thế kỷ trước. Trứng bây giờ phải khôn hơn vịt, không thể khôn như vịt. Chắc chắn trẻ em bây giờ phải khác ngày xưa. Chính vì sự khác ấy nếu chúng ta chỉ biết cho mà không biết cách hướng dẫn trẻ “dùng” thì rất có thể trong tương lai, “trứng” sẽ là thảm họa của “vịt”. Dường như người lớn chúng ta đang loay hoay để tìm cách dạy dỗ trẻ đi đến trưởng thành. Có lẽ đừng để một Hào Anh nữa xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân, đi tìm hướng giải quyết.
Thiên Lam

Bình luận (0)