Từ ngày 1.7, cương vị chủ tịch luân phiên EU do CH Síp đảm nhiệm. Đây là lần đầu tiên CH Síp gánh vác trọng trách này kể từ khi được kết nạp vào EU năm 2004. Lâu nay, ngồi ghế chủ tịch luân phiên là cơ hội để các thành viên đề cao vị thế và gây dựng dấu ấn riêng trong EU. Tuy nhiên, đối với CH Síp thì có thể lại là sứ mệnh quá lớn.
CH Síp là nền kinh tế nhỏ thứ 3 trong khối. Ngay trước khi tiếp nhận cương vị chủ tịch luân phiên từ Đan Mạch, nước này đã phải chính thức cầu viện EU để cứu hệ thống ngân hàng, trở thành thành viên thứ 5 của EU – sau Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha – phải dựa vào nguồn tài chính bên ngoài để khắc phục khủng hoảng. Qua hội nghị cấp cao mới đây, có thể thấy EU không chỉ bị phân rẽ nội bộ mà còn lúng túng về định hướng giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Có thể thấy, CH Síp có được thiên thời nhưng thiếu cả địa lợi lẫn nhân hòa. Ấy là chưa kể quan hệ còn phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho nên CH Síp đưa ra chương trình nghị sự rất khiêm tốn cho thời gian đảm nhận trọng trách. Trọng tâm là kết thúc đàm phán về ngân sách chung cho giai đoạn 2014-2020. Công việc trước mắt là xử lý thủ tục và quy trình cần thiết để giải ngân những khoản tiền cứu các ngân hàng của Tây Ban Nha và CH Síp. Nhưng cả những việc ấy cũng rất khó khăn. Sứ mệnh lớn này rất dễ thành bất khả thi đối với thành viên nhỏ. Điều an ủi đối với CH Síp là đâu phải thành viên nào cũng thành công khi ở cương vị tương tự.
Theo TNO
Bình luận (0)