Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.HCM khi đi thăm và chúc mừng các nhà giáo trên địa bàn thành phố nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2016) trong 2 ngày 14 và 15-11.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gặp lại thầy giáo cũ GS.TS NGND Nguyễn Tấn Lập. Ảnh: Q.Huy |
Chiều 14-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn đại biểu đã tới thăm thầy Lê Quang Vịnh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP) và GS.TS, NGND Nguyễn Tấn Lập (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM). Tham dự cùng đoàn có bà Võ Thị Ánh Tuyết – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
Thầy Lê Quang Vịnh xúc động: “Nhìn lại chặng đường 41 năm đất nước thống nhất, GD-ĐT của cả nước nói chung và TP nói riêng đã có những kết quả rất đáng tự hào. Tôi gửi gắm và tin tưởng lãnh đạo TP sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa để GD-ĐT TP xứng đáng với niềm tin mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân giao phó”.
Còn GS.TS NGND Nguyễn Tấn Lập phấn khởi khi “cậu sinh viên” Tư Phong nay đã là lãnh đạo của một TP năng động – nghĩa tình. GS. Lập cho biết, ông luôn dõi theo những thay đổi của GD-ĐT và thấy có nhiều đổi mới nhưng với cương vị là Chủ tịch UBND một TP lớn nhất nước, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phải cố gắng cải thiện đời sống của đội ngũ thầy, cô giáo ngày càng tốt hơn. Vì có làm được như vậy thầy, cô giáo mới an tâm cống hiến cho nghề.
GS. Lập gửi gắm: “Hiện nay, bậc phổ thông đến ĐH, người học mất quá nhiều thời gian để học trên bục giảng. Nếu học xong tiến sĩ thì người học mất một quãng đường rất dài, tuổi đời của một tiến sĩ cũng trên 35. Như vậy thì khó có thể cống hiến hết năng lực. Trong 7 chương trình đột phá của TP, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đứng vị trí đầu tiên đã thể hiện quyết tâm của cả Đảng bộ – chính quyền TP. Vì vậy, TP phải đề xuất với Bộ GD-ĐT hoặc có “cơ chế đột phá” làm sao để người học đến tiến sĩ còn khoảng 25-28 tuổi. Đó là độ tuổi sung sức nhất, họ sẽ cống hiến, toàn tâm – toàn ý cho sự phát triển của TP”.
GS. Lập căn dặn: “Là lãnh đạo chính quyền cao nhất của TP, cậu (Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong) phải lãnh đạo, chỉ đạo công tâm, hết lòng – hết sức vì Đảng vì nhân dân. Làm cho đời sống người dân ngày càng tốt đẹp, không làm được như vậy sẽ có tội với dân”.
Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP, UBMTTQVN TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ân cần thăm hỏi và chúc hai GS luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT của TP nói riêng và cả nước nói chung.
“Thời gian qua, ngành GD-ĐT TP đã đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, luôn giữ vững lá cờ đầu của GD-ĐT cả nước. Nhưng trong thời kỳ hội nhập, ngành GD-ĐT TP không được thỏa mãn mà phải tiếp tục đổi mới nhiều hơn, chú trọng khơi dậy tư duy sáng tạo của người học; tạo cơ chế phát huy chất xám của nguồn nhân lực. Ngành GD-ĐT TP phải tính toán để việc đào tạo đạt chuẩn theo khu vực và quốc tế. Vì sự nghiệp GD-ĐT là trách nhiệm của toàn Đảng bộ TP”, đồng chí Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Đồng chí Chủ tịch TP cũng chia sẻ với GS. Lập: “Trong chuyến công tác nước ngoài cuối đầu tháng 11 vừa qua, theo báo cáo của lãnh đạo Đại sứ quán nước ta, tại nước Anh, phụ huynh gửi tài chính cho con em theo học khoảng 1 tỷ bảng Anh/năm. Đây là một nguồn kinh phí rất lớn. Bài học nhắc nhở lãnh đạo TP.HCM là làm sao để GD-ĐT TP phải phát triển mạnh mẽ hơn, thực học, thực làm, sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có việc làm và làm đúng chuyên môn, nghiệp vụ đã học trong nhà trường. Có làm được điều này mới tạo được niềm tin của phụ huynh và học sinh. Và như vậy, chúng ta mới “không chảy máu chất xám” và tài chính”.
Chủ tịch Phong nhấn mạnh: “Tâm huyết của hai thầy cũng là tâm huyết và trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền TP. Một điều hết sức ý nghĩa, phấn khởi không chỉ có các tầng lớp trí thức, nhân dân TP quan tâm tới sự nghiệp GD-ĐT của TP mà vừa qua tại Hội nghị kiều bào toàn thế giới (do Bộ Ngoại giao phối hợp với TP.HCM tổ chức), các tầng lớp trí thức, doanh nhân kiều bào đều đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Rất nhiều kiều bào đã hiến kế để GD-ĐT TP đột phá, phát triển. Lãnh đạo TP luôn cầu thị, tiếp thu và sẽ chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào và các đề xuất của tầng lớp trí thức trong nước và TP để triển khai các đề xuất cụ thể đó”.
*Ngày 15-11, ông Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy đã tới thăm và chúc mừng GS.TS Trần Chí Đáo (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM); GS.TS Cao Minh Thì (nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT); TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tháp tùng đoàn có ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng đại diện cho lãnh đạo TP đã tới thăm PGS.TS Phạm Văn Năng (nguyên Bí thư Đảng ủy Khối ĐH-CĐ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM). Đi cùng đoàn có ông Phạm Thanh Nam – Trưởng phòng KT – KĐCLGD Sở GD-ĐT TP…
Quang Huy
Bình luận (0)