Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sự nóng giận của giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học đọc vần. Ảnh: N.Trinh
Khá nhiều lần, qua báo chí, người đọc bắt gặp những vụ việc giáo viên dùng bạo lực hay có hành vi, lời nói thiếu kiềm chế, có tính xúc phạm đến học sinh. Đôi lúc, sự việc trở nên nghiêm trọng khi học sinh bị thương tích, thậm chí có trường hợp thầy trò đánh nhau ngay trên lớp.
Thường các vụ việc này được giải thích là do người thầy nóng giận vì sự ngỗ ngược, thiếu lễ độ, thiếu siêng năng… của học sinh. Nhiều người khắt khe cho rằng đó là sự bào chữa gượng gạo, thiếu thuyết phục, bởi nếu việc gì cũng đổ cho nóng giận thì còn gì là giáo dục; vả lại, đâu phải chỉ có người thầy mới “biết” nóng giận, vậy học sinh cũng nóng giận thì sao?
Sự nóng giận của mọi người, trong đó có giáo viên, là điều bình thường. Đó là một phản ứng rất người; vấn đề là chúng ta xử lý với nóng giận thế nào thôi. Trong cuốn Săn sóc sự học của con em, viết từ năm 1954, học giả Nguyễn Hiến Lê có nêu một tình huống về một người cha hay nóng giận, e rằng không thể quan tâm kèm cặp việc học của con. “Bạn khác nói: “Tính tôi Trương Phi lắm. Chỉ dạy 5 phút là tôi la, tôi cú, tôi hét, tôi đập. Mệt cho mình và tội cho trẻ”. Vâng. Tính tình của tôi cũng vậy, dễ quạu lắm. Nhưng từ khi đọc những sách về tâm lý, về giáo dục để hiểu trẻ thì tôi sinh ra hiền từ vì nhận rằng chính người lớn chúng ta mới ngu xuẩn và đầy tội lỗi, chứ trẻ thì hầu hết là ngây thơ và dễ thương”. (Săn sóc sự học của con em, NXB Thanh Tân, Sài Gòn, 1967, trang 14). Như vậy, theo Nguyễn Hiến Lê, sự nóng giận phần lớn là do chúng ta chưa hiểu trẻ chứ không phải ở bản thân trẻ. Điều này rất đúng với bậc THCS trở xuống; còn ở bậc THPT, học sinh đã tương đối lớn, có thể có sự khác biệt chút ít nhưng tôi nghĩ là về cơ bản không sai lệch. Và, trong nhiều trường hợp, sự nóng giận dẫn đến quát nạt, véo tai, cốc đầu… hay các hành vi khác dường như là một sự đe dọa, phủ đầu của người lớn đối với trẻ chứ không giải quyết vấn đề, bởi khi trẻ đã sợ hãi thì sự tiếp thu càng khó khăn hơn.
Nếu ai đã làm cha mẹ thì hầu hết đều thấy rằng thế nào cũng có đôi lần mình nổi nóng với con cái, dẫn đến quát nạt, hăm he hoặc có “động tay”. Con của mình, mình thương biết bao nhiêu, thế mà vẫn có lúc tức giận, không kiềm chế được và có hành vi không hay (thậm chí là không phải), huống hồ gì là con của người khác. Dĩ nhiên, đối lại, phải nhìn nhận rằng, mình có thể nóng giận với con của mình nhưng không thể nóng giận rồi có hành vi không đúng với con người khác. Bởi đặt tình huống con của mình bị người khác (giáo viên của con chẳng hạn) ở hoàn cảnh tương tự và có sự tức giận tương tự thì mình cũng rất khó chịu. Như vậy, dù chấp nhận sự nóng giận nhưng phần đông chúng ta không chấp nhận các hành vi không hay xuất phát từ sự nóng giận.
Chúng ta cũng nên tìm hiểu vì sao có cơn giận của giáo viên, thay vì chỉ đổ lỗi cho cơn giận ấy. Trong hầu hết các trường hợp, người thầy tức giận vì thấy học trò làm trái ý mình mà ít khi quan tâm vì sao em ấy làm như thế. Chẳng hạn, một học sinh không làm bài, không thuộc bài, trả lời có ý che giấu, người thầy dễ có biểu hiện giận dữ cho rằng em ấy lười nhác rồi còn không trung thực. Nhưng giá như có tìm hiểu, biết đâu đêm qua nhà em ấy có sự cố mà em không muốn cho người khác biết hoặc bản thân em ấy có vấn đề gì đó không ổn… Dĩ nhiên, cũng có trường hợp học sinh thực sự có lỗi, thì việc tìm hiểu cũng giúp người thầy hiểu đúng đó là lỗi gì, nguyên nhân từ đâu và từ đó có thể có cách khắc phục. Các trường hợp đó đều tốt hơn là chỉ có giận dữ rồi phạt vạ học sinh, trong khi mọi việc tiến triển không mấy khả quan.
Tôi nhớ một thầy giáo cũ của mình có xử sự rất khéo khi cảm thấy bắt đầu có nóng giận. Khi ấy, thầy còn rất trẻ nhưng có những xử sự mà sau này tôi thấy là chững chạc. Có lúc lớp ồn ào, không chịu học bài, có học sinh nghịch phá… (lắm khi học sinh thấy thầy giáo trẻ nên thiếu nghiêm túc), thầy hay nhắc nhở, nếu không cải thiện thầy giao lớp trưởng tự quản rồi ra ngoài, hoặc ngồi yên lặng trên bục giảng. Tôi vẫn nhớ cái không khí những lần ấy, tự nhiên chùng xuống nhưng không phải cảm giác bực bội hay muốn phản kháng mà là cảm giác hối lỗi. Nhiều lần lớp trưởng phải xin lỗi thầy, động viên các bạn tập trung học tập. Nếu như thầy quát nạt, thì chắc lớp cũng yên lặng nhưng sự tự giác học tập không được cải thiện mấy, sự thuyết phục cũng khó mà trọn vẹn. Như vậy, khi nóng giận mà phản ứng bằng cách thức tiêu cực tuy có thể giải tỏa được cơn nóng ấy nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn, lắm khi phản tác dụng. Do đó có thể áp dụng nguyên tắc “không dạy cũng là dạy”, “im lặng cũng là một cách nói”…
ThS. Nguyễn Minh Hải
Nếu người thầy thực sự tôn trọng, thương yêu học sinh thì chắc sẽ ít nóng giận hơn và nếu có nóng giận cũng sẽ ít có hành động không hay hơn! Đó mới là cái gốc của vấn đề!
 

Bình luận (0)