Một tiết học môn lịch sử của học sinh lớp 12 tại TP.HCM. Ảnh: Anh Khôi |
Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Thanh Tiến, Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM về vấn đề môn lịch sử được tích hợp trong môn giáo dục công dân với quốc phòng an ninh ở bậc THPT theo dự thảo của Bộ GD-ĐT. TS. Nguyễn Thanh Tiến cho biết:
– Tôi cho rằng việc “lồng ghép” ba môn học lịch sử, giáo dục công dân và quốc phòng an ninh thành môn “Công dân với Tổ quốc” là không hợp lí. Các nhà khoa học, các nhà giáo đã nói lên sự bất hợp lí này. GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam – đã nêu quan điểm, việc tích hợp giáo dục lịch sử vào các môn giáo dục công dân, quốc phòng an ninh là không có cơ sở khoa học, bởi ba môn học này có các định hướng khoa học khác nhau; từ đối tượng, phương hướng, nguyên tắc đều khác nhau. Về phần mình, tôi cũng đồng tình với quan điểm trên và đề nghị Bộ GD-ĐT, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hãy để môn lịch sử trong chương trình THPT với tư cách là môn học riêng biệt.
PV: Thưa ông, lý do nào mà người ta lại đề xuất “khai tử” môn lịch sử ở trường phổ thông? Chắc chắn đây là điều không thể chấp nhận được. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
– Thực ra, không có ai đề xuất “khai tử” môn lịch sử cả. Người ta chỉ đề xuất tích hợp bộ môn này vào môn công dân với Tổ quốc mà thôi. Vấn đề là ở chỗ, khi tích hợp như vậy, môn lịch sử không còn tồn tại với tư cách là môn học độc lập nữa. Đối với những người tâm huyết với bộ môn lịch sử, việc môn học này không còn là môn học độc lập thì cũng gần giống với việc “khai tử” nó ở trường phổ thông. Một khi không được đặt đúng vị trí như nó cần phải có, môn lịch sử không thể phát huy hết vai trò giáo dục – giáo dưỡng của mình. Hơn nữa, nếu môn lịch sử không còn là môn học độc lập thì tâm lý xem nhẹ môn học này của nhà trường phổ thông, của các em học sinh và cả bên ngoài xã hội nữa e rằng sẽ càng nghiêm trọng hơn. Bản thân các giáo viên lịch sử cũng khó có động lực phấn đấu để dạy tốt phân môn lịch sử trong bộ môn tích hợp. Nói “khai tử” môn lịch sử là nói ở những khía cạnh như vậy.
Nếu đồng ý với phương án này thì sẽ có những khó khăn nào, thưa ông?
– Nếu việc tích hợp môn lịch sử với các môn giáo dục công dân và quốc phòng an ninh thành môn công dân với Tổ quốc thành hiện thực, thì việc vấp phải những khó khăn, vướng mắc là khó tránh khỏi. Trong đó sẽ có những khó khăn như việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa, việc đào tạo giáo viên đảm trách môn học, ngay cả các trường sư phạm – nơi chịu trách nhiệm đào tạo giáo viên – cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trang bị kiến thức như thế nào để người giáo viên tương lai có thể đảm đương được việc dạy tích hợp ba phân môn nói trên… Đối với môn lịch sử, việc tích hợp cũng sẽ khiến cho bộ môn này trở thành một bộ phận “lắp ghép” tùy tiện với các môn học khác, trong khi môn lịch sử có vai trò và vị trí đặc thù trong giáo dục về cội nguồn dân tộc, về truyền thống dựng nước và giữ nước, về các giá trị văn hóa… của cha ông ta. Thiết nghĩ, nếu các cơ quan quản lí nhìn nhận một cách nghiêm túc và đúng đắn về vai trò của môn lịch sử trong công tác giáo dục nhân cách và giáo dục ý thức công dân cho học sinh phổ thông, thì họ sẽ thấy rằng việc để môn lịch sử là môn học riêng biệt trong chương trình phổ thông là hoàn toàn hợp lí và cần thiết.
Có ý kiến cho rằng hiện nay phương pháp dạy học môn lịch sử chưa phù hợp với chương trình và nội dung sách giáo khoa nên làm cho học sinh không còn yêu thích bộ môn này. Đây có phải là ý kiến đúng, thưa ông?
Một khi không được đặt đúng vị trí như nó cần phải có, môn lịch sử không thể phát huy hết vai trò giáo dục – giáo dưỡng của mình. |
– Tôi cho rằng ý kiến trên chỉ phản ánh một phần nguyên nhân học sinh chán môn lịch sử trong nhà trường hiện nay. Thực tế cho thấy, việc học sinh không yêu thích môn học này, hoặc không xem trọng môn học này, còn xuất phát từ những tác động của xã hội và của chính nhà trường phổ thông. Đã nhiều năm, một bộ phận không nhỏ ngoài xã hội và trong nhà trường phổ thông không thực sự xem trọng môn lịch sử. Nhiều người còn cho rằng môn lịch sử chỉ là môn “học thuộc lòng”. Điều đó đã ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của học sinh đối với môn học này. Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn của các em về môn học. Nếu thi vào ĐH ở khối C (trong đó có môn lịch sử) thì khi ra trường, các em sẽ khó tìm được những công việc có mức lương cao như thi vào các khối ngành khác. Như vậy, khi tìm hiểu nguyên nhân học sinh không thích môn lịch sử, tôi cho rằng không nên quy hết mọi thứ cho nội dung sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy, mà cần nhìn vấn đề một cách toàn diện hơn.
Ông có đồng tình với việc đưa lịch sử vào môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia như ý kiến đề xuất trong thời gian qua không?
– Không, tôi cho rằng không nên đưa môn lịch sử vào môn tự chọn trong kỳ thi quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Nhiều người cho rằng hiện nay học sinh phổ thông chán học môn lịch sử, ông có ý kiến gì về vấn đề này? – Trước hết, phải nói rằng hiện nay học sinh chán học môn lịch sử là một thực tế. Việc cách đây vài năm các em học sinh ở một trường phổ thông xé giấy trong đó có cả đề cương môn lịch sử thả trắng sân trường để mừng không thi tốt nghiệp môn học này, hoặc kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có những hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh thi môn lịch sử là những minh chứng cụ thể. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là không phải tất cả các em học sinh phổ thông đều ghét môn học này. Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian tới, nếu các cơ quan quản lí giáo dục, các trường phổ thông thay đổi nhận thức về môn học này và có sự đổi mới về nội dung sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy, về phương tiện dạy học… thì học sinh sẽ không quay lưng với môn lịch sử nữa.
Luôn bảo vệ “chỗ đứng” của môn lịch sử Thời gian qua, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mà trực tiếp là các giảng viên của Khoa Lịch sử và Viện Nghiên cứu giáo dục đã góp tiếng nói của mình vào việc bảo vệ “chỗ đứng” của môn lịch sử trong trường phổ thông. Tại các hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức như hội thảo “Chương trình môn công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” tổ chức ở TP.Đà Nẵng, hội thảo “Tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới” tổ chức tại Hà Nội, trường và khoa đều cử đại biểu tham dự. Trên cơ sở phân tích vai trò, vị trí đặc thù của môn học, chúng tôi đã bày tỏ quan điểm là không nên tích hợp môn lịch sử với các môn học khác. Cần phải duy trì môn lịch sử với tư cách là môn học độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. TS. Nguyễn Thanh Tiến |
Bình luận (0)