Đối với quá trình dạy và học tác phẩm văn học trong nhà trường, thực hành đọc thành tiếng/đọc diễn cảm là một thao tác có ý nghĩa rất lớn trong việc người đọc cảm thụ văn bản. Đây là quá trình chuyển hóa những ký hiệu chữ viết thành những ký hiệu âm thanh, thao tác đọc diễn cảm sẽ làm vang lên không chỉ là tiếng nói của vỏ âm thanh văn bản mà còn là tiếng nói nghệ thuật của tác phẩm, của tác giả. Nếu thực hành đọc diễn cảm tốt, nhập đúng vai (của người kể, của nhân vật…), người đọc sẽ phần nào giải mã thành công những tín hiệu, những thông điệp mà người viết gửi gắm thông qua những con chữ.
Có thể nói, trải nghiệm đọc thành tiếng là một hoạt động có tính chất đặc thù góp phần vào quá trình nhận thức tác phẩm. Âm vang của giọng đọc sẽ phần nào kích thích quá trình ghi nhận khi tiếp cận tác phẩm. Ngoài ra, âm thanh của giọng đọc mang lại cảm xúc cho người tiếp nhận. Cảm xúc này dần được phát triển trong quá trình đọc diễn cảm. Khi cảm xúc thăng hoa thì sự cảm thụ tác phẩm cũng từ đó mà tăng theo. Quá trình trải nghiệm đọc diễn cảm cũng sẽ dẫn dắt người đọc tiệm cận đến giọng điệu của người viết, giọng điệu của nhân vật.
Giữa giọng đọc và tâm hồn người đọc có sự tác động qua lại. Nếu như tâm hồn người đọc quyết định việc đọc văn bản thì việc đọc diễn cảm văn bản cũng có ảnh hưởng ngược lại đến tâm hồn người đọc. Sự nhập vai qua giọng đọc sẽ có tác động tích cực đến quá trình cảm thụ văn bản. Đặc biệt, việc đọc diễn cảm, đọc thành tiếng sẽ giúp cho người đọc phát hiện ra những cái hay bất ngờ của tác phẩm mà quá trình đọc thầm không có được. Vì thao tác này sẽ khơi gợi những rung động thẩm mỹ nơi người đọc.
Như vậy, đọc diễn cảm là một hoạt động mang lại nhiều hiệu quả trong quá trình giúp học sinh tiếp nhận ý nghĩa nghệ thuật và nội dung của tác phẩm văn học. Nhưng với lý do không đủ thời gian giảng dạy, nhiều trường hợp thầy cô đã bỏ qua thao tác đọc diễn cảm trong tiết học môn văn. Điều này là một thiệt thòi cho học sinh. Tất nhiên, có thể giải thích là các em đã đọc văn bản trước ở nhà, và nếu đọc diễn cảm ở lớp thì sẽ mất nhiều thời gian. Thế nhưng, chỉ có để học sinh đọc diễn cảm ở lớp thì thầy cô mới biết được sự cảm thụ, sự đánh giá của học sinh đối với văn bản, đối với tác phẩm mà các em đang đọc. Từ đó mới có thể kịp thời hướng dẫn cho học sinh đọc diễn cảm đúng giọng điệu, đúng tinh thần của văn bản. Ngay cả tên gọi của phân môn là “đọc – hiểu văn bản” cũng thể hiện quan niệm của những người soạn sách giáo khoa muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thao tác đọc văn bản.
Trần Xuân Tiến
Bình luận (0)