Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sự ra đời của Công an nhân dân Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng để trấn áp tội phạm, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị Công an bảo vệ Thủ đô (Tết Nguyên đán Tân Sửu, năm 1961). Ảnh: TTXVN

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ; bảo vệ các phiên tòa của Xô Viết – Công Nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết. 

Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội Tự vệ”. Khi cuộc vận động mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn, Đảng chỉ thị: “Mỗi ấp phải tổ chức ra Đội Tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và đối phó với các lực lượng phản động”.

Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu (ATK), bảo vệ cán bộ cao cấp của Đảng, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt. “Ban Công tác đội” được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu.

Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian đầu sỏ và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.

Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng; đồng thời, công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. 

Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội Hộ lương diệt ác” lần lượt ra đời cùng với “Đội Tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội Danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh ở Bắc Bộ. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. 

Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 trở thành Ngày truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Từ đó đến nay, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ngày càng được củng cố về mặt tổ chức và lớn mạnh không ngừng, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong các thời kỳ cách mạng.

Theo Thông tin tư liệu-TTXVN
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)