Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Sự thật chuyện quyền Thái gửi “chiến thư” cho Thiếu Lâm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vừa qua dư luận báo chí, đặc biệt là cộng đồng mạng Trung Quốc bàn tán xôn xao về tin các võ sỹ quyền Thái (Muay) liên kết với nhau gửi thư thách chiến tới các võ tăng của môn phái Thiếu Lâm, với mong muốn được tỷ thí một phen để phân tài cao thấp.
Sự thực câu chuyện này rắc rối hơn nhiều so với những người nghĩ rằng đây chỉ là sự “hiếu chiến” của mấy người học võ.
Thách đấu ngạo mạn
Nhiều tờ báo của Trung Quốc đồng loạt đưa tin, 5 võ sỹ quyền Thái với các biệt danh rất hung chiến gồm: Thần Mục Sát, Quỷ Kiến Tất, Ma Thuật Trùy, Quyền Diệt Phong, Đồ Long Trửu, trong đó có một võ sỹ đẳng cấp thế giới Kaoklai Kaennorsing (Đồ Long Trửu) sẽ đến Trung Quốc tỷ thí với các võ tăng Thiếu Lâm Tự.

Chân dung vua quyền Thái Kaoklai Kaennorsing (cởi trần) – người được cho là “chủ trò” vụ thách đấu.

Báo chí trích dẫn những phát biểu được nói là của võ sỹ Kaoklai Kaennorsing với những lời rất xúc phạm đến Thiếu Lâm Tự. Cụ thể như: “Vốn dĩ lần này 5 võ sĩ Thái Lan thách đấu với Trung Quốc là vì muốn “diệt” Thiếu Lâm”. Nếu như có thể nới rộng giới hạn tấn công, võ sĩ này khẳng định chỉ trong nháy mắt có thể hạ gục, thậm chí là giết chết Biên Mậu Phú” (người vừa giành danh hiệu Kungfu vương thế giới tại giải Quảng Đông được tổ chức ở Trung Quốc). Thậm chí võ sỹ Thái Lan này còn thẳng thừng tuyên bố: “Ở Trung Quốc, Thiếu Lâm có danh tiếng lừng lẫy, nhưng so với quyền Thái chẳng qua cũng chỉ là trò vô danh tiểu tốt mà thôi”. Khi được hỏi liệu có quá tự tin khi tuyên bố “diệt Thiếu Lâm”, Kaoklai Kaennorsing nói: “Cứ gọi Thích Vĩnh Tín (Trụ trì Thiếu Lâm Tự) lên sàn đấu nói chuyện sẽ rõ!”
Trước đó, nhiều tờ báo cũng đưa tin rằng, vua quyền Thái Kaoklai Kaennorsing sau khi xem giải đấu võ thuật nhà nghề Trung Quốc tổ chức tại Quảng Châu tháng 7 vừa qua, anh cảm thấy giới võ thuật Trung Hoa… kém quá nên đã quyết định cùng các võ sỹ Thái Lan đến Trung Quốc để được thi đấu với những võ tăng Thiếu Lâm một lần, đồng thời đánh cá rằng quyền Thái sẽ thắng Thiếu Lâm với tỷ số 5:0 trắng trên sàn đấu. Các tờ báo, kể cả truyền hình Trung Quốc cũng đưa chi tiết tuyên bố nguyên nhân thách chiến của các võ sỹ quyền Thái rằng: “Ở Trung Quốc gần đây, một số chùa mà điển hình là Thiếu Lâm Tự đã thương mại hoá, biến đất Phật thành nơi hút tiền, móc túi thiên hạ. Trong khi đó Thái Lan cũng là quốc gia coi Đạo Phật là quốc đạo nên các võ sỹ  này cũng rất bức xúc”.

Các võ sinh Thiếu Lâm Tự đang luyện kungfu.

Thiếu Lâm im lặng, Nga My phái đòi tỷ thí
Trong khi dư luận độc giả Trung Quốc tỏ ra hết sức bức xúc trước lời “khiêu chiến” ngạo mạn của các võ sỹ Thái Lan thì Phương trượng trụ trì Thiếu Lâm Tự, Thích Vĩnh Tín lại không có bất kỳ phát ngôn chính thức nào về lời thách đấu khiến những nghi ngờ đồn thổi quanh việc Thiếu Lâm Tự thương mại hoá “biến chất” lại càng khiến nhiều người bức xúc. Đã vậy, Thiếu Lâm Tự chỉ cử đại diện Văn phòng Thiếu Lâm Tự nói rằng: “Thiếu Lâm Tự ra thi đấu với võ sĩ Thái là trò đùa nực cười. Chắc chắn Thiếu Lâm Tự sẽ không đếm xỉa gì đến chuyện này”.
Trước sự “im lặng” của Thiếu Lâm Tự, một trong ba danh phái võ lâm lớn nhất Trung Quốc là Nga My đã lên tiếng. Trưởng môn phái này, võ sư Uông Kiện và một trong những đệ tử xuất sắc nhất của ông đã chính thức gửi đơn lên Hiệp hội võ thuật Trung Hoa bày tỏ nguyện vọng được tỷ thí với các võ sỹ ngạo mạn Thái Lan, để lấy lại danh dự cho giới võ thuật Trung Quốc. Đến lúc này, đại diện của Thiếu Lâm Tự mới chính thức lên tiếng phủ nhận việc quyền Thái gửi chiến thư thách đấu Thiếu Lâm Tự và cho biết,  chưa nhận được bất cứ văn bản “thách đấu” chính thức nào từ phía Hiệp hội quyền Thái.  Đồng thời, Phương trượng Thích Vĩnh Tín cũng lên tiếng nói rằng thông tin về bức chiến thư chỉ là trò đùa ác ý nhằm vào Thiếu Lâm.
Các bang phái thua hết “võ…Marketing”!
“Cao trào bức xúc” của dư luận độc giả báo chí Trung Quốc dường như đã được hạ hoả ngay sau khi có thông tin xác nhận bức “chiến thư” của các võ sỹ Thái Lan chỉ là tin đồn thổi. Trên thực tế, trận đấu giữa các võ sỹ quyền Thái và Trung Quốc tại thành phố Quảng Châu vào ngày 19/12 tới đây là hoàn toàn có thực. Tuy nhiên, đây chỉ là trận thi đấu giao hữu ở bộ môn quyền Anh chứ không hề có việc các võ sỹ Thái Lan sẽ tỷ thí với các võ tăng Thiếu Lâm để phân tài cao thấp như báo chí đã từng đề cập và cũng không có bức chiến thư nào.
Tờ Quảng Châu Nhật Báo của Trung Quốc sau khi dày công điều tra đã chính thức thông tin chuyện quyền Thái thách đấu Thiếu Lâm là chiêu thức… marketing gây sốc, nhằm thu hút sự chú ý của dư luận trước khi diễn ra giải đấu giao hữu quyền Anh giữa các võ sỹ Trung Quốc và Thái Lan vào ngày 19/12 tới . Người đã bịa đặt ra thông tin gây bức xúc này chính là một trong những nhân viên tiếp thị kinh doanh (PR) có tên Từ Duệ,  làm việc trong thời gian diễn ra giải đấu này.
Từ Duệ cho biết đã suy nghĩ rất nhiều mới tìm ra được chiêu thức quảng bá “có một không hai này” nhưng thật không may nó đã bị lật tẩy quá sớm. Thực tế thì 5 võ sĩ Thái Lan chưa từng phát biểu câu nào về chuyện thách đấu Thiếu Lâm, và thực sự chưa ai ở Thiếu Lâm Tự hay Hiệp hội võ thuật Trung Hoa từng tận mắt nhìn thấy cái gọi là “chiến thư” của người Thái.

Các võ sinh Thiếu Lâm Tự đang luyện kungfu.

Gốc rễ sâu xa
Việc làm của Từ Duệ là hành động đáng lên án vì  đã lợi dụng “lòng tự hào dân tộc”, “danh dự của các bang phái võ lâm Trung Hoa” để kinh doanh, lừa dư luận. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu hơn nhân sự kiện này, có thể nói hành động của Từ Duệ chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” trong dư luận người dân Trung Quốc hiện nay.
Thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo đài chính thống của Trung Quốc từng đề cập vấn đề Thiếu Lâm Tự ngày càng thể hiện rõ xu hướng thương mại hoá trong các hoạt động của mình. Thực tế hiện nay, Thiếu Lâm Tự đang “khai thác và vận hành” hàng chục “cơ sở, chi nhánh” ở nhiều nước trên thế giới. Doanh thu mỗi năm có thể đạt 20 triệu USD. Việc Thiếu Lâm Tự truyền bá võ thuật và văn hóa Trung Quốc ra các nước được ca ngợi, nhưng hình thức “kinh doanh” của môn phái này cũng bị nhiều người dân Trung Quốc phê phán  mạnh mẽ.
Nhiều tờ báo của Trung Quốc đã từng viết rằng, khi tiếp xúc với người nước ngoài, Trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín thường xưng danh là Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Thiếu Lâm Tự. Vị Phương trượng này giải thích, ông giới thiệu như vậy chỉ để tạo thuận lợi trong việc giao lưu với người nước ngoài, vì rất khó giải thích cho họ hiểu được từ danh xưng "trụ trì” có nghĩa là gì. Dù vậy, những giải thích này vẫn khó xóa tan được nỗi nghi ngờ của người dân Trung Quốc đối với sự thương mại hóa của Thiếu Lâm Tự.
Trước đó, Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng đã từng đề cập câu chuyện một du khách đến tham quan vãn cảnh Thiếu Lâm Tự đã được một số nhà sư mời ký tên vào một quyển sổ hồng. Theo giải thích của những vị sư này, nếu ký tên vào quyền sổ trên sẽ được Phương trượng Thích Vĩnh Tín tụng kinh ban phúc. Tuy nhiên, du khách này đã thực sự bất ngờ  khi biết đó chỉ là cam kết mua hương giá cao. Vì sau khi chọn một cây hương khá to và đẹp để thắp ngay tại điện Đại Hùng trong khuôn viên Thiếu Lâm Tự, vị khách “tá hoả” khi được các vị sư thông báo cây hương đó có giá 100.000 tệ (gần 12 triệu VNĐ). Cũng từng có chuyện Thiếu Lâm Tự bán đấu giá 10 số SIM điện thoại di động được trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín ban phúc với tổng giá trị lên đến 321.000 tệ.
Một số người dân Trung Quốc lo ngại, các võ tăng Thiếu Lâm Tự tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh doanh, biểu diễn kiếm tiền sẽ ảnh hưởng đến việc tu hành. Một giáo sư nghiên cứu Phật giáo ở Đại học Bắc Kinh cho rằng, kungfu không phải là hạt nhân của Phật giáo, chỉ có kết hợp võ thuật với những tinh túy của văn hóa Phật giáo thì mới giúp cho việc truyền bá tốt hơn Phật giáo ra thế giới.
NT (theo thethao DEC)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)