Việc lạm dụng nước củ dền có thể đem đến những rủi ro không ngờ cho sức khỏe.
Nước ép củ dền là nguồn cung cấp vitamin tuyệt vời. Hơn nữa, chúng có màu đỏ rất đẹp mắt và hấp dẫn. Dân gian cho rằng nước ép củ dền là thức uống giàu sắt, những ai thiếu máu nên bổ sung loại nước này. Tuy nhiên, việc lạm dụng nước củ dền lại có thể đem đến những rủi ro không ngờ cho sức khỏe.
Sự thật chuyện "uống nước củ dền giúp bổ máu"
Nước ép củ dền không giúp chúng ta bổ máu như mọi người lầm tưởng.
Phân tích về tác dụng bổ máu của nước ép củ dền, ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng) cho hay: "Về bản chất, nước ép củ dền không giúp chúng ta bổ máu như mọi người lầm tưởng bởi vì màu đỏ này không phải là sắt mà betacyanin. Chất này cũng có trong lá rau dền, trong thanh long ruột đỏ".
ThS BS Đặng Ngọc Hùng cho biết thêm, dù củ dền có chứa những hoạt chất sinh học nhất định, ví dụ như đạm, nhóm tinh bột đường, các loại vitamin… Tuy nhiên có một điều lưu ý là củ dền rất giàu nitrat tự nhiên – đây là chất chúng ta cần kiểm soát trong quá trình ăn uống.
"Củ dền không phải là một loại thực phẩm gây hại, tuy nhiên nếu nạp quá nhiều nitrat bằng cách uống nước ép củ dền thì không tốt cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Nhiều bà mẹ dùng nước ép củ dền cho con uống hàng ngày, thậm chí là dùng để pha sữa. Lượng nitrat cao này vào trong máu trẻ sẽ làm cho việc vận chuyển oxy của hồng cầu có vấn đề. Uống nhiều nước ép củ dền chưa thấy bổ máu đã thấy phải nạp quá nhiều nitrat, gây hại cho trẻ em và người lớn", vị chuyên gia chia sẻ.
Những tác hại không ngờ khi dùng quá nhiều củ dền
Nước ép củ dền chứa nhiều vitamin C, sắt, mangan, folate, axit folic, axit oxalic, axit béo và hàm lượng chất xơ. Tuy nhiên, việc lạm dụng chúng có thể dẫn đến các tác động xấu cho sức khỏe. Điều này không có nghĩa rằng bạn nên tránh xa hoàn toàn củ dền, mà chỉ nên sử dụng nó ở mức độ vừa phải.
Dưới đây là những rủi ro mà bạn phạm phải khi dùng quá nhiều củ dền và nước ép củ dền.
1. Làm tăng nguy cơ sỏi thận
Theo Nghiên cứu Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, củ dền rất giàu axit oxalic và có thể góp phần hình thành sỏi. Nếu bạn đã bị sỏi, bác sĩ có thể khuyên bạn nên ngừng hoặc giảm tiêu thụ chiết xuất củ dền/nước ép củ dền.
Các triệu chứng của sỏi thận bao gồm sốt, nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy, đau nhói ở bụng và háng, nước tiểu đổi màu.
2. Tăng nguy cơ sốc phản vệ
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cấp tính với chất gây dị ứng mà cơ thể trở nên quá mẫn cảm. Trong nhiều trường hợp, do tiêu thụ quá nhiều củ dền, người ta bị dị ứng với nó và có thể dẫn đến đau họng, co thắt phế quản.
Củ dền rất giàu axit oxalic và có thể góp phần hình thành sỏi.
3. Không tốt cho gan
Theo các nhà nghiên cứu, ăn quá nhiều củ dền có thể gây ra sự tích tụ các ion kim loại trong gan, về lâu dài có thể gây hại cho gan.
4. Có thể gây thiếu canxi
Theo báo cáo, uống quá nhiều nước ép củ dền có thể làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Người ta khuyên rằng những phụ nữ có lượng canxi thấp nên tránh uống quá nhiều nước ép củ dền.
5. Có thể gây khó chịu cho dạ dày
Theo một ấn phẩm của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, chất nitrat trong nước ép củ dền có thể gây đau bụng. Tiếp xúc với hàm lượng nitrat cao có thể dẫn đến co thắt dạ dày và nôn mửa. Mức nitrat tăng có thể dẫn đến tác dụng phụ như giảm lưu lượng máu và tăng nhịp tim.
Nên tiêu thụ củ dền như thế nào?
Không có khuyến nghị chính thức nào nói về liều lượng an toàn của nước ép củ dền, do đó, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm về lượng tiêu thụ hàng ngày. Bác sĩ có thể đưa ra khuyến nghị dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn.
BS Hùng khuyên, các gia đình chỉ nên dùng củ dền để nấu canh hoặc sử dụng như một thực phẩm thông thường. Tốt nhất không nên vắt ra lấy nước uống hoặc sử dụng quá thường xuyên với hy vọng bổ máu.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)