Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sự thật đằng sau những ly rượu

Tạp Chí Giáo Dục

Trên thị trường hiện tại đang bán rất nhiều loại rượu có chất độc hại vượt ngưỡng cho phép. Chính vì thế, đã xảy ra những vụ ngộ độc rượu không chỉ cướp đi sinh mạng, gây ra cảnh tang thương mà còn để lại nỗi đau cho người ở lại.

Một cửa hàng bán các loại men để sản xuất rượu

“Rượu vừa đi vừa nấu”

Men chính là thứ nguyên liệu chính để sản xuất ra rượu và quyết định chất lượng. Có rất nhiều loại men khác nhau cho ra những loại rượu có hương vị khác nhau như men riềng, men gạo… thế nhưng hiện nay có một loại men tạo ra rượu mà không cần nấu, như những người buôn bán gọi là… men tươi. Theo như tìm hiểu tại khu vực chợ Kim Biên (quận 5). Chỉ với 1 gói men 5.000 đồng thì có thể ủ cho 50kg gạo, nhiều hơn so với cách ủ men truyền thống. Theo chia sẻ của các hộ sản xuất rượu thì với lượng men ủ dùng để nấu rượu thông thường thì không thể nào làm được điều này. Chị Phạm Thị Lan (Bình Dương) cho biết “một gói men đảm bảo 200g có giá 5.000 đồng cũng chỉ ủ được 10kg gạo. Nếu đối với loại men Bắc, đây là loại men truyền thống để ủ cơm mà ông bà từ ngày xưa đã dùng cũng 80.000 đồng/kg. 1kg khoảng 40 viên và 1kg gạo thì dùng 2 viên. Không thể nào với 1 gói men chưa tới 200g mà có thể ủ được 50kg gạo để nấu rượu”.

Chưa dừng lại ở đó, người bán hàng tại chợ còn cho biết có loại men chỉ cần bỏ vô nước là sẽ thành rượu không cần nấu. Đấy là loại men tạo ra rượu mà mọi người thường gọi vui là “vừa đi vừa nấu”. Chỉ cần chở bình nước bỏ loại men này vào đi đến chỗ giao là thành rượu, mất khoảng 10-15 phút. Trong khi đó để nấu được 10 lít rượu phải qua quá trình chưng cất là hơn 2 giờ.

Một loại men nữa là men bột với giá 15.000 đồng/300g, đây là loại men được giới thiệu là bán chạy nhất hiện nay. Theo như tính toán của những người nấu rượu lâu năm nếu men đúng để sản xuất ra rượu đảm bảo chất lượng thì 100kg gạo chỉ chưng cất được từ 60-70 lít rượu trong khi đó cùng với lượng gạo đó sử dụng 2 lượng men kể trên thì tạo ra 140 lít rượu. Năng suất gấp đôi, tính về kinh tế thì người bán sẽ chọn 2 loại men kia vừa kinh tế vừa không mất thời gian và công sức đồng nghĩa với việc người uống đang bỏ tiền mua độc vào người.

Hàm lượng methanol trong rượu không được lớn hơn 10mg/lít tức là 0,1% nhưng trên thị trường hiện nay hầu hết các mẫu rượu kiểm tra có hàm lượng từ 70-700%. Hàm lượng etanol không quá 50mg/lít. Khi ngộ độc methanol có biểu hiện: Đau đầu, mệt, buồn nôn, giảm thị lực, nặng hơn là sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp. 

Còn một cách để tạo ra rượu không phải nấu đó là dùng cồn methanol để tạo ra rượu, tăng dung tích rượu. 1 lít cồn methanol pha từ 6-7 lít nước sẽ tạo ra rượu. Như vậy, mỗi lít rượu bán ra chỉ từ 10.000-15.000 đồng/lít thì quá lời. Với nhẩm tính của người nấu rượu thì nấu rượu bằng gạo thì giá thấp nhất là 19.000 đồng/lít. Nhiều người kinh tế hơn họ dùng củ mì (củ sắn) để nấu rượu với giá thành rẻ hơn nhiều nhưng nếu tính hết chi phí thì giá chót cũng 15.000 đồng/lít. Như vậy với loại men tươi này cho hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều.

Chỉ trông chờ vào cái tâm của người bán

Bác sĩ Hoàng Vân, bác sĩ Chuyên khoa III, Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Rượu được pha hoàn toàn với cồn công nghiệp thì sẽ có tác dụng sau từ 15-30 phút sẽ có phản ứng. Cơ quan trong cơ thể gặp nguy đầu tiên là đường tiêu hóa như gây bỏng đường ruột, nặng hơn là suy gan cấp và cuối cùng là ngộ độc thần kinh cấp, gây mất lí trí”.

Bác sĩ Hồ Kim Cương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Khi chúng ta uống phải loại rượu chứa cồn công nghiệp hay methanol chỉ cần 25mg thì đã gây ra độc tính lên thần kinh chúng ta rất nặng nề. Khi đó việc chữa trị rất là khó khăn và cần nguồn tài chính rất là cao”.

Không nhãn mác, không có thông tin về nơi sản xuất, có gì để đảm bảo cho loại rượu được chứa trong những chiếc bình 20 lít rót ra bán cho khách là đảm bảo đúng lượng methanol cho phép. Với những công thức cồn hoa quả + nước lã = rượu gạo, rượu hoa quả hoặc cồn + nước lã = rượu trắng… Men không rõ nguồn gốc cho lượng rượu gấp đôi, cồn methanol tăng dung tích rượu. Nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa methanol hay không. Nhìn chung, rượu chứa methanol có vị hơi ngọt. Thế nhưng trên thực tế đối với người uống vẫn không thể phân biệt được chỉ còn cách thử trực tiếp. Bên cạnh đó, khi người uống bị ngộ độc cũng không thể phân biệt được do chủ quan uống nhiều thì say không đến bệnh viện kiểm tra. Theo thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm trong những tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 78 người gặp nạn và 10 người đã tử vong. Đáng nói là mức methanol trong máu của những người ngộ độc rượu cao gấp hàng trăm lần so với định mức cho phép.

“Để không uống phải rượu độc, những “ma men” chỉ biết trông chờ vào cái tâm của người bán” – bác sĩ Hoàng Vân bảo thế!

Bài, ảnh: Phạm Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)