Những học sinh cuối cấp 3 của Trung Quốc vừa trải qua trận chiến cam go và quyết liệt nhất trong cuộc đời mình: kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao). Họ đã phải giam mình trong phòng riêng hay trong thư viện nhiều ngày liền, với những quyển sách dày cộp và những viên thuốc tăng cường trí nhớ, trong khi cha mẹ họ lang thang vật vờ đâu đó không xa, với một tâm trạng bất ổn giữa sự ồn ào của thành thị, hoặc những vùng nông thôn đang bị đô thị hóa.
Thời đại gaokao bao giờ mới chấm dứt?
Bất kỳ người Trung Quốc nào cũng nhận thấy gaokao đã cướp đi của bao nhiêu lớp học sinh Trung Quốc tất cả những gì gọi là sức sáng tạo, trí tò mò, và thời thơ ấu.
Tất cả mọi người đều thấy rằng Trung Quốc có một nguồn giáo dục rất hạn chế cho dân số quá đông của mình. Singapore hay Phần Lan có thể cung cấp cho mỗi người dân của họ điều kiện học tập tốt nhất, nhưng Trung Quốc quá nghèo để có thể làm như vậy. Bên cạnh đó, cái xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng các “mối quan hệ” – coi thường từ các tổ chức đến luật pháp và sự phát triển chung.
Học sinh Trung Quốc ngập trong núi bài vở để chuẩn bị thi đại học. Ảnh: China daily.
Giáo dục là thứ đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự chuyển biến trong xã hội (hơn là phát triển kinh tế quốc gia). Những người dân đang sống trong sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, cũng như đang có mặt trong thực tế không quá dễ chịu của một đất nước Trung Quốc hiện đại đều mong ước một điều: Trung Quốc sẽ có một nền giáo dục chân chính, nơi mà những sinh viên thực tài và chăm chỉ nhất sẽ là những người chiếm lĩnh đỉnh cao.
Muốn như vậy, một kỳ thi như gaokao cần được thay thế càng sớm càng tốt.
Xây dựng một thứ thay thế cho gaokao
Trước tiên, phương án biến đổi này phải là một chỉ số khách quan dựa trên kết quả học tập của học sinh. Ban tuyển sinh đại học hoặc phỏng vấn nhập học sẽ không được chấp nhận vì nó cung cấp quá nhiều quyền lực cho các tổ chức và cá nhân không đáng tin cậy. Không ai có thể đồng ý với một cuộc “xổ số” đại học để đánh giá chất lượng sinh viên. Tiếc rằng hiện tại trí thông minh nhân tạo chưa đạt tới trình độ mà máy tính có thể thay thế cán bộ tuyển sinh đại học, nên sự biến đổi vẫn chỉ có thể là một loạt các bài kiểm tra.
Tuy nhiên, dù buộc phải thực hiện “hạ sách” làm bài kiểm tra, thì đại cục vẫn có thể cứu vãn được qua việc nhận định một cách nghiêm túc: cần kiểm tra cái gì?
Nếu bài kiểm tra là để học sinh thể hiện năng lực nghĩ và năng lực viết, thì ngay lập tức người ta có thể liên tưởng đến hình ảnh những ông bố bà mẹ trí thức đang thảo luận sôi nổi với con cái trong bữa tối về sách vở, những vấn đề thời sự, những kế hoạch du lịch đến những miền đất mới… Hơn thế nữa, việc kiểm tra năng lực nghĩ và năng lực viết (hoặc những kỹ năng mềm khác như sáng tạo, hay cộng tác…) sẽ đòi hỏi những giáo viên giỏi, vững chuyên môn và đầy nhiệt huyết. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ trở thành… nước Mỹ!
Buồn thay, Trung Quốc lại đang có đến hơn 800 triệu nông dân, trông chờ vào giáo dục là con đường duy nhất giúp con họ thoát khỏi luống cày. Những đứa trẻ nông thôn không có thư viện, không có giáo viên được đào tạo bài bản, không có môi trường tri thức để phát triển như trong thành phố lớn. Chúng chỉ có quyết tâm học hành chăm chỉ để tự phát triển bản thân. Vậy nên, để cho công bằng, chính phủ đã buộc phải ra đề cho học sinh thể hiện năng lực… học vẹt, đúng với nguồn giáo dục chuẩn mực nhất mà đa phần học sinh được tiếp cận – sách giáo khoa.
Hãy tưởng tượng những đứa trẻ suốt mười tám năm rèn luyện trí nhớ và những “cung cách chuẩn mực” trên ghế nhà trường! Sự nghèo nàn về phong cách và tầm nhìn, sự tiêu diệt không thương xót trí tưởng tượng, sự độc lập và óc sáng tạo sẽ ám ảnh chúng đến cuối cuộc đời.
Tất nhiên, với năng lực kinh tế của nhiều gia đình thành thị, nhiều đứa trẻ đã được “giải cứu” khỏi cơn ác mộng gaokao, nhưng tỷ lệ đó vẫn còn là quá ít so với mặt bằng chung những đứa trẻ đang mòn mỏi trong “trường đào tạo thư ký lớn nhất thế giới” – luôn chỉ chú trọng năng lực nhớ, và năng lực chép.
Theo vietbao
Bình luận (0)