Nga ngừng cung cấp khí cho Ucraina |
Mấy ngày nay lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu bằng đường ống chảy qua Ucraina giảm đi rõ rệt. Phát biểu với Reutert, Giám đốc công ty khí đốt quốc gia Rumania thừa nhận lượng khí họ nhận từ Nga giảm đi khoảng 30-40%. Các nước châu Âu khác như Ba lan, Hungary, Phần Lan, Czech cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Theo RIA-Novosti, riêng Áo chỉ nhận được 10% hợp đồng khí đốt từ Nga vào thời điểm hiện tại. Châu Âu đang đứng trước nguy cơ thiếu khí đốt trầm trọng giữa mùa đông lạnh giá bởi cuộc chiến khí đốt Nga-Ucraina. Ngày 7/1 EU tức tốc nhóm họp tại Brussel nhằm tháo gỡ tình hình.Cuộc chiến khí đốt Nga-Ucraina đang làm cả châu Âu náo loạn.
Trong lúc hai công ty khí đốt quốc gia là Gazprom (Nga) và Naftogaz (Ucraina) đang tiếp tục thương thuyết về bản hợp đồng bán khí đốt mới cho Ucriana thì các nước châu Âu đang có nguy cơ khủng hoảng về khí đốt. Điều dễ hiểu bởi trên 30% khí nhập khẩu của họ từ Nga và hơn 80% khí từ Nga sang châu Âu bằng đường ống qua Ucraina. Bi kịch của xung đột khí đốt Nga-Ucraina chính là việc họ đã mất rất nhiều thời gian nhưng bản hợp đồng mua, bán khí giữa Moskva và Kiev năm 2009 vẫn chưa được ký kết. Đại diện chính thức của Gazprom Sergey Kupryanov tuyên bố: Nếu không đạt được thỏa thuận trước năm mới thì Nga sẽ không cung cấp khí. Ngoài ra, Sergey Kupryanov cho hay rằng tiến trình đàm phán về khí đốt giữa Nga và Ucraina đang giậm chân tại chỗ. Thông báo của người đại diện cho Gazprom càng khẳng định rằng việc cung cấp khí cho đường ống sang Ucraina đang giảm dần. Trong những ngày này, Nga đang kết tội Ucraina đánh cắp khí mà họ vận chuyển qua nước này sang châu Âu. Mọi chuyện bắt đầu từ khoản nợ hơn 2 tỷ USD mà Ucraina phải trả cho Nga và giá khí mới mà Gazprom đưa ra. “Ngay từ 2/10 giữa Nga và Ucraina đã ký văn bản ghi nhớ, trong đó nêu rõ chúng tôi sẽ hợp tác với Ucraina trong năm tới ra sao”- Sergey Kupryanov giải thích. “Ucraina hứa sẽ trả toàn bộ khoản nợ, còn bây giờ phía Ucraina không muốn trả nợ nhưng vẫn muốn ký hợp đồng mới cho năm 2009”- Đại diện Gazprom phân trần. Xung đột lên tới đỉnh điểm khi Nafogaz của Ucraina tuyên bố không trả nợ Gazprom cả khi họ nhận được khí trong tháng 11 và 12/2008.
Trước đó, Tổng thống Ucraina Victor Yushenko tuyên bố rằng Gazprom sẵn sàng hoãn nợ cho Ucraina nhưng không hiểu sao tuyên bố đó bị Moskva rút lại. Vấn đề thứ hai góp phần thổi bùng xung đột khí đốt Ucraina chính là giá khí đốt cho năm 2009. Nếu như Tổng giám đốc Gazprom Aleksey Miller đưa ra mức 418 USD/1000 m3 khí thì Tổng thống Ucraina Victor Yushenko cho rằng đó là giá vô lý. Với Ucraina, theo V.Yushenko giá 100 USD/1000 m3 khí là phải chăng. Năm 2008, giá khí cho Ucraina là 179 USD/1000 m3.
Trả lời phóng viên RIA Novosti, chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Nga Azdar Kurtov khẳng định: “Kiev không sẵn sàng trả Nga với giá 418 USD/100 m3 khí, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Ucraina bị tổn thất nặng nề do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra”.
Như vậy, Nga đòi nợ, còn Ucraina không có tiền trả nợ. Chính vì thế mà hợp đồng mới về khí cho năm 2009 bị “treo” chưa biết đến bao giờ.
Ngoài các nguyên nhân đã nêu, phải thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Ucraina cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc ký kết hợp đồng mua bán khí đốt giữa Moskva và Kiev. Theo các nhà phân tích thì cuộc chiến dai dẳng giữa V.Yushenko, Yulia Timoshenko và V.Yanucovich và chính sách thân phương Tây của Ucraina đã dập tắt hy vọng được hưởng lợi từ nguồn khí đốt của Nga. Trong ba nhân vật ấy, ai là “cánh chim hòa bình” trong “cuộc chiến khí đốt”, người ấy rất có thể sẽ cán đích trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Người Nga đã cảm nhận được một điều rằng Ucraina không muốn trả nợ cho Nga kể cả khi họ có tiền. Số tiền ấy còn dành để chi cho các cuộc bầu cử vốn diễn ra triền miên ở đất nước này.
Vậy tại sao Kiev có quyền không chấp nhận giá khí mà Moskva đưa ra?
Thứ nhất, Moskva không thể đơn phương hủy bỏ hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu mà gần như toàn bộ số khí sang châu Âu phải qua Ucraina.
Thứ hai, trong trường hợp Nga “đóng khóa” đường ống dẫn khí sang Ucraina thì lượng khí khổng lồ ấy không biết để vào đâu, không thể đẩy ngược lại các mỏ đang khai thác. Ngoài ra, nếu đường ống không được bơm khí, áp suất giảm sẽ dễ bị hư hại.
Thứ ba, theo lời Kupryanov thì Ucraina đang là nước giữ vai trò trung chuyển dầu lớn nhất của Nga. Trong khi đó, các hệ thống đường ống qua Belarus, các nước Baltic hay dưới lòng biển Đen đều không đáp ứng được khối lượng lớn như vậy. Còn nếu Nga không cung cấp thêm khí cho Ucraina thì lượng dự trữ khoảng 30 tỷ m3 khí của họ, đủ để Ucraina “sống vô tư” trong vài ba tháng.
Từ tất cả những nguyên nhân trên, các nhà phân tích đặt câu hỏi: Chẳng lẽ Moskva bỏ thiệt hại nhỏ (giảm giá khí cho Ucraina) để đổi lấy thiệt hại lớn (không thể cung cấp khí cho châu Âu)? Thực tế là Ucraina muốn cả châu Âu đoàn kết lại nhằm gây áp lực với Moskva. Ngược lại, Nga cũng muốn dùng các nước châu Âu gây áp lực lại với Ucraina. Song song với điều ấy, Nga đang nhắm tới khu vực trung chuyển mới là Belarus. Tuy nhiên, chọn Belarus cũng chỉ là giải pháp tình thế. Hiện Nga đang xây dựng hệ thống đường ống phương bắc xuyên qua biển Baltic cung cấp khí cho Bắc Âu, đường ống phương nam xuyên qua biển Đen cung cấp khí cho Nam Âu. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, khi Moskva ngừng cung cấp khí cho Kiev thì châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa đông lạnh lẽo này.
Anh Phương (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)