Dù có tác dụng hỗ trợ các chuyển động của khớp, móng giò không thể thay thế thuốc chữa bệnh với các trường hợp bị thoái hóa.
Theo kinh nghiệm dân gian, móng giò mang đến nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. Điển hình trong số đó là hỗ trợ khớp xương hoạt động trơn tru hay tăng tiết sữa ở phụ nữ sau sinh.
Không có tác dụng chữa bệnh
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết móng giò mang lại cho người ăn cảm giác dính, nhầy nên thường được truyền miệng có tác dụng tốt với khớp xương.
“Trên thực tế, móng giò có hàm lượng collagen khá cao. Chất này cũng có tác dụng làm tăng các dịch nhầy trong các khớp, hỗ trợ chuyển động của cơ thể”, vị chuyên gia nói.
Các món ăn từ móng giò giúp tăng dịch nhầy khớp nhưng không thể chữa bệnh.
Tuy nhiên, PGS Thịnh khẳng định móng giò hay chân giò vẫn là một dạng thực phẩm, không phải thuốc. Do đó, trong các trường hợp bị thoái hóa khớp, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, qua đó có cách điều trị phù hợp.
Ông nhấn mạnh: “Việc bồi bổ bằng móng giò chỉ có tác dụng hỗ trợ, không chữa được bệnh”.
PGS Thịnh giải thích thêm collagen thực chất là một dạng protein giúp tăng tính đàn hồi cho da. Do đó, ngoài hỗ trợ tăng dịch nhầy trong khớp, collagen có trong móng giò còn giúp da đàn hồi, mịn màng hơn trong các trường hợp bị khô da, nhám.
Lợi sữa nhưng cần cân nhắc
Bên cạnh hỗ trợ tăng dịch nhầy trong các khớp, móng giò còn được cho rằng có tác dụng kích thích tuyến sữa, phù hợp với phụ nữ sau sinh, đang nuôi con bằng sữa mẹ.
“Trong chân giò chủ yếu là protein, chất béo, canxi, sắt, vitamin A, B, C và đặc biệt phần móng có chứa nhiều chất keo protit. Đây được xem là phần có tác dụng kích thích tuyến sữa, nhưng trên thực tế không phải ai ăn cũng hiệu nghiệm”, PGS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Liên quan vấn đề này, theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trọng Hùng, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), các nghiên cứu đã chứng minh một số loại thức ăn có tác dụng lợi sữa như hạt cỏ ca ri, rau ngót, móng giò,… Tuy nhiên, việc phụ nữ sau sinh chỉ ăn móng giò là không chính xác.
Phụ nữ sau sinh không nên quá tập trung vào việc ăn móng giò, chân giò do khiến mất cân bằng vi lượng.
"Việc quá tập trung vào các thức ăn này gây vấn đề mất cân bằng dinh dưỡng, sữa mẹ thiếu những chất vi lượng khác. Ngoài ra, người mẹ còn có nguy cơ béo phì, mỡ máu cao", bác sĩ Trọng Hùng cho hay.
Chế độ dinh dưỡng tốt nhất với phụ nữ cho con bú là các bữa ăn đa dạng cùng khoảng 10-15 loại thực phẩm. Những thực phẩm này cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm: Tinh bột, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất.
Ngoài những lợi ích với việc tiết sữa, móng giò là thực phẩm chứa rất nhiều chất béo. Do đó, phụ nữ cho con bú nên bổ sung thêm chất đạm, tinh bột hay hoa quả chứa nhiều vitamin để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số cách khác được bác sĩ này khuyến cáo với trường hợp cần tăng tiết sữa gồm:
Tăng số bữa và đa dạng thực phẩm: Các bà mẹ nên tăng số lượng bữa ăn trong ngày để đảm bảo năng lượng cho bản thân cũng như hỗ trợ việc tiết sữa. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý lượng thực phẩm cũng cần chia nhỏ, tránh năng lượng nạp vào quá nhiều dẫn đến béo phì, thừa cân.
Phụ nữ cho con bú cũng nên bổ sung các chất vi lượng cần thiết như sắt, vitamin A,… Đây là các vi chất người mẹ bị mất khá nhiều trong quá trình sinh con do mất máu.
Đảm bảo giấc ngủ: Bên cạnh việc tránh các chất kích như như rượu, bia, thuốc lá,… các bà mẹ cũng nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
"Rất nhiều người mẹ có tình trạng mất ngủ trong thời gian đầu chăm sóc con. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất sữa ở phụ nữ cho con bú. Khi quá căng thẳng, các bà mẹ sẽ bị ức chế tâm lý và ảnh hưởng đến quá trình cơ thể tiết sữa", bác sĩ Trọng Hùng nhận định.
Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế: Thông thường, phụ nữ sau khi sinh sẽ được các nhân viên y tế hướng dẫn cách cho con bú cùng một số lưu ý. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan và bỏ qua các hướng dẫn này.
Theo bác sĩ khoa Phụ sản, người mẹ cần cho con bú hết sữa. Nếu trẻ không bú hết, chúng ta phải tác động để vắt hết sữa khỏi bầu ngực. Việc cho con bú không hết, bầu ngực có cảm giác căng, tức khiến lượng sữa ít dần theo thời gian. Nguyên nhân là các ống tuyến sữa lúc này không thực hiện nhiệm vụ tăng tiết.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)