Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sự thật về “thần dược” rễ cây mật nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Rượu và rễ cây mật nhân bán ở vỉa hè đường Cộng Hòa
Rễ cây mật nhân được quảng cáo là “thần dược” trị bách bệnh, kể cả bệnh nan y bày bán nhan nhản ở vỉa hè với giá từ 50.000-80.000 đồng/kg.
“Thần dược”?
Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều tuyến đường ở Sài Gòn xuất hiện rễ cây mật nhân được người bán cho là “thần dược” có thể chữa nhiều bệnh như gút, ung thư gan, đau khớp, yếu sinh lý… khiến nhiều người đang mắc bệnh tin răm rắp. Người phụ nữ bán rễ cây mật nhân trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) “nổ liên thanh” khi chúng tôi hỏi về công dụng của loại cây này: “Ngâm rượu uống trị được nhiều bệnh mà BS “chạy”. Khách hàng của tui lấy lần vài chục kg, có người bị khớp đi không nổi nhưng sau vài lần uống thì chạy rầm rầm. Người bị xơ gan, bụng chướng uống hết ba chai rượu do tôi ngâm là mạnh khù”. “Liệu có phải đúng là rễ cây mật nhân?”. Tôi nghi ngờ. Người này nói như để khẳng định uy tín của mình: “Không giấu gì chú, hiện có nhiều người trộn lẫn các loại rễ cây khác để bán, còn tôi thì không. Đâu phải mình chỉ bán cho khách vãng lai. Bán cho người này rồi họ giới thiệu cho người khác nữa”. “Uống liều lượng bao nhiêu mới khỏi bệnh?”, tôi hỏi. “Nhưng chú bệnh gì? Biết bệnh tôi mới trả lời được?”. Tôi nói đại: “Bị tiểu đường”. Bà ta liền “quăng”: “Thế thì phải uống 40kg trong vòng 6 tháng thì bệnh mới khỏi hẳn. Có bao nhiêu tiền đâu, tính tiền rượu luôn cũng chưa tới 2 triệu bạc. Bảo đảm không cần đi BS”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây khách hàng có nhu cầu tìm mua nhiều, trong khi đó rễ mật nhân khan hiếm. Đó cũng là lý do mà giá đắt đỏ, từ 50.000-80.000 đồng/kg, tùy vào thời điểm. Theo người bán, hiện nay, tại Sài Gòn cũng đã xuất hiện rễ cây mật nhân “đểu”. Theo đó, rễ cây còn nguyên (chưa cắt lát) chở theo ra nơi bán là rễ cây mật nhân thật, còn rễ cây đã cắt ngâm rượu hoặc để bán là rễ của các loại cây khác.
Thời gian đầu chỉ một vài người bán rễ cây mật nhân, họ là những người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất có loại cây này. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, con số này lên đến hàng trăm và hầu hết đều không biết gì về nó, thấy người ta mua bán được rồi tìm nguồn hàng bán. Các tuyến đường ở ngoại thành như Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh); Phạm Hùng (Q.8); quốc lộ 50, Khánh Hội (Q.4)… cũng đã xuất hiện nhiều điểm bán rễ cây này. Có nơi còn trương lên tấm bảng với nội dung: “Bán rễ cây mật nhân. Có mật nhân ngâm rượu, trị bá bệnh…” hay “Rễ cây mật nhân, trị gút, yếu sinh lý, xơ gan…”. 
Người mua, người bán đều mập mờ
Chị Nguyễn Thị Hiền, người bán rễ cây mật nhân trên đường Khánh Hội (Q.4) cho biết chị lấy hàng qua một người cùng quê Bình Phước. Là người con của núi rừng Phước Long nhưng bản thân chị Hiền cũng chẳng biết gì về loại rễ cây này. Chị thật thà: “Nghe người ta nói cứ mua về, cắt nhỏ phơi khô, đem sao lên rồi bỏ vào rượu ngâm uống sẽ trị được nhiều bệnh, trong đó có bệnh nan y. Thấy người ta mua bán được mình cũng làm theo. Mình mua bán nhỏ lẻ chứ người ta lấy lần cả xe tải”. Trước đây, mỗi ngày chị Hiền bán không dưới 50kg, tiền lãi trên dưới 300.000 đồng.
Là người có hơn 25 năm sống bằng nghề trồng rừng lấy gỗ ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, anh Nguyễn Hoàng cho biết Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông được xem là “thủ phủ” của loại cây này nhưng với nạn khai thác, chặt phá bừa bãi khiến cây này gần như bị khai tử. Hiện, rễ cây mật nhân chủ yếu được chuyển về từ rừng Campuchia qua cửa khẩu Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước – PV). Anh Hoàng khẳng định: “Người mua hoàn toàn không biết rễ cây mật nhân như thế nào, chuyện họ bị lừa là rất có thể xảy ra”.
Anh Nguyễn Thanh Dũng (ngụ đường Âu Dương Lân, Q.8) mắc chứng tê bại tay nhiều năm, đi nhiều BS, uống từ thuốc tây đến đông y vẫn không khỏi. Nghe người ta mách nước, anh mua rễ cây mật nhân về ngâm rượu uống thử. Sau nhiều tháng uống, không những không trị được bệnh mà còn nặng thêm. Lúc trước, tay phải anh còn cầm nắm được một số vật dụng nhẹ nhưng nay hoàn toàn không thể.
Người bán còn quảng cáo: “Rễ cây mật nhân còn trị được bệnh tiểu đường, yếu sinh lý”. Với những lời quảng cáo có cánh như rót mật vào tai, nhiều người (đặc biệt là những người đang mắc bệnh) tin răm rắp. Chưa biết hiệu quả của nó thế nào nhưng họ sẵn sàng bỏ vài triệu đồng để mua hàng chục kg rễ cây về chất trong nhà.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Lương y Nguyễn Công Đức, nguyên giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma Longifolia thuộc họ thanh thất Simaroubaceae. Loại cây này mọc nhiều ở các vùng núi, rừng thưa miền Trung, Tây Nguyên. Đúng là mật nhân có thể chữa được nhiều bệnh nhưng chữa được ung thư, tiểu đường, xơ gan, yếu sinh lý… thì chỉ là tin đồn vì đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào thuyết phục. Quả cây mật nhân hình trứng, hơi dẹt, có tác dụng chữa lỵ, tiêu chảy. Trong dân gian, khi trẻ em bị ghẻ ngứa, người ta hái lá về nấu nước để tắm… Rễ cây mật nhân có vị đắng, có tác dụng làm mát một số bộ phận cơ thể, trị chứng ăn uống không tiêu, tức ngực… Vì có thể chữa được một số bệnh thông thường nên cây mật nhân còn có tên gọi khác là “cây bá bệnh” hoặc “cây bách bệnh”.
 

Bình luận (0)