Ung thư làm bệnh nhân thiếu một số chất dinh dưỡng
Ăn trái cây ướp lạnh cũng có lợi cho bệnh nhân. Ảnh: I.T |
Con người có khả năng nếm được các vị đắng, mặn, chua, ngọt nhờ bộ phận vị giác nằm trên lưỡi, ở phần sau của vòm miệng và phần sau của họng. Bộ phận vị giác gồm các tế bào vị giác có lớp vi mao tiếp xúc với các tiểu thể thức ăn ở miệng. Khi tế bào vị giác bị tổn thương trong quá trình điều trị ung thư thì bệnh nhân có dấu hiệu thay đổi khẩu vị với thức ăn.
Khoảng 88% đến 93% bệnh nhân ung thư vùng đầu, cổ có triệu chứng thay đổi khẩu vị. Ung thư có thể làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu một số chất dinh dưỡng như đồng, ni-ken, vitamin A, kẽm, tình trạng này dẫn đến sự thay đổi khẩu vị. Ngoài ra, các hóa chất trong máu do khối u tạo ra cũng làm thay đổi khẩu vị ở bệnh nhân.
Kế đến, sự thay đổi khẩu vị cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân đang điều trị xạ trị ở vùng đầu, cổ. Các tế bào vị giác rất nhạy cảm với tia xạ nên trong vòng 2 tuần đầu sau khi điều trị sẽ xuất hiện sự thay đổi vị giác. Ngoài ra, xạ trị cũng làm giảm tiết nước bọt ảnh hưởng đến thay đổi vị giác, thay đổi khẩu vị đối với thức ăn có vị mặn và đắng.
Bệnh nhân đang hóa trị cũng có thể bị thay đổi khẩu vị, bởi thuốc hóa trị làm tổn thương các tế bào vị giác.
Sự thay đổi vị giác khác nhau theo từng bệnh nhân, các triệu chứng thường được than phiền là có vị thuốc trong miệng, tăng vị đắng đối với các thức ăn như thịt bò, thịt heo, cà phê, sôcôla hoặc giảm vị ngọt. Khoảng 36% đến 71% bệnh nhân hóa trị bị thay đổi khẩu vị. Kháng sinh, thuốc giảm đau và một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến vị giác như: carboplatin, cisplatin, cyclophosphamide, dacarbazine, doxorubicin, 5-fluorouracil, levamisole, methotrexate, nitrogen mustard, vincristine…
Sự thay đổi khẩu vị ở bệnh nhân ung thư gây ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, vì bệnh nhân hạn chế không ăn được một số loại thức ăn, ăn không ngon miệng, biếng ăn, dẫn đến sụt cân.
Cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt
Chứng thay đổi khẩu vị ở bệnh nhân ung thư không thể chữa trị được, tuy nhiên có thể khắc phục chuyện ăn uống do bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi vị giác. Nên ăn thức ăn mát hay nguội, thức ăn có mùi vị chua bằng cách bỏ chanh, giấm vào món ăn. Với những bệnh nhân có tổn thương ở miệng lưỡi thì không dùng cách này. Cho thêm đường vào món ăn để giảm vị mặn, chua hay đắng của miệng. Nên dùng thêm các loại gia vị như các loại sauce, ớt bột, tỏi, bạc hà, củ hành trong chế biến thức ăn cho nguời bệnh.
Bệnh nhân nên ăn trái cây ướp lạnh, đặc biệt rau xanh tươi, hạn chế dùng thức ăn đóng hộp hay đông lạnh. Dùng nước trà hay nước gừng trước khi ăn có thể cải thiện được phần nào vị giác
Trường hợp bệnh nhân cảm nhận có vị thuốc hay vị kim loại trong miệng là do tình trạng cơ thể thiếu lượng kẽm hoặc thừa lượng canxi hay lactate. Một số nghiên cứu cho thấy khi bổ sung kẽm vào lúc xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi vị giác có thể cải thiện phần nào chứng thay đổi khẩu vị do tia xạ. Ngoài ra, sự thay đổi khẩu vị do thiếu kẽm có thể được điều trị bằng cách bổ sung kẽm vào khẩu phần hoặc các viên bổ sung kẽm.
Cải thiện khẩu vị cho người bệnh ung thư là yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ điều trị bệnh, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Do đó, yếu tố dinh dưỡng không thể thiếu trong phác đồ điều trị loại bệnh này.
TS. BS Nguyễn Thị Minh Kiều
(Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM)
Bình luận (0)