Mỗi ngành nghề yêu cầu những tố chất khác nhau, do vậy, trước khi chọn ngành nghề, học sinh cần xác định những tố chất mình có và nắm rõ năng lực của chính bản thân. Một trong những kênh để khám phá bản thân là tự trắc nghiệm và trải nghiệm thực tế lĩnh vực, công việc đó. Sự trải nghiệm càng cao thì tỷ lệ chọn ngành nghề thành công sẽ càng cao.
ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) đưa ra nhiều lời khuyên cho học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn về những kỹ năng chọn ngành nghề
Đó là lời nhắn nhủ của các chuyên gia tư vấn dành cho toàn thể học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Trải nghiệm ngành nghề trước khi chọn
Đưa ra lời khuyên cho các em học sinh về những kỹ năng khi chọn ngành nghề, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) chia sẻ, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, học sinh cần lưu ý ba yếu tố quan trọng: Thứ nhất là năng lực, sở trường, khả năng ưu tiên 60%; thứ hai là căn cứ vào đam mê, yêu thích; thứ ba là nhu cầu thị trường. Đối với hai yếu tố đầu có thể hiểu chung là quá trình xác định bản thân, khám phá bản thân. “Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên, hiện nay nhiều học sinh vẫn chưa biết cách nắm bắt bản thân. Để khám phá bản thân, các em có thể tự làm một số bài trắc nghiệm để xác định rõ mình đang ở nhóm nào, hoặc làm các bài trắc nghiệm trên internet. Muốn kết quả đạt hiệu quả cao, các em có thể thực hiện nhiều lần. Bên cạnh đó, các em có thể tự khám phá bản thân bằng cách liệt kê tất cả những sở trường và nhược điểm của mình, liệt kê từ 1-3 ngành nghề mà mình đang quan tâm, mỗi ngành nghề sẽ có những tố chất khác nhau. Nếu bản thân có những ưu điểm phù hợp với ngành nghề thì có thể lựa chọn, ngược lại, nếu hạn chế nhiều hơn thì phải xem lại có nên lựa chọn hay không? Kênh thứ 2 là các em tham chiếu từ cha mẹ, thầy cô và những chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực mà mình quan tâm, để hiểu rõ cả những hào quang và khoảng lặng của nghề. Kênh thứ 3 là trải nghiệm thực tế, các em có thể xem lại từ nhỏ đến lớn việc nào mình làm tốt nhất để lựa chọn. Hoặc tiếp cận một số công việc của ngành nghề đó để trải nghiệm trước… Sự trải nghiệm càng cao thì khả năng đánh giá năng lực có phù hợp với ngành nghề đó càng cao”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh) cho biết hiện nay có những ngành học sau khi tốt nghiệp có thể làm nhiều công việc khác nhau, ngược lại, cũng có trường hợp phải học ở nhiều ngành khác nhau để làm một công việc. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề đều có những tố chất khác nhau, do đó các em cần tìm hiểu rõ các ngành nghề đào tạo, các tố chất cần thiết, đam mê và năng lực của bản thân để tránh việc chọn ngành nghề chưa phù hợp. Việc thận trọng và nghiêm túc khi chọn ngành nghề sẽ giúp người học tránh được việc ra trường làm việc không đúng chuyên môn hoặc thất nghiệp…
Nữ có học được ngành CNTT?
Đó là băn khoăn của một học sinh nữ gửi tới các chuyên gia tư vấn. Trả lời vấn đề này, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho hay, ngành CNTT đã được ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tất cả mọi hoạt động về kinh doanh, thương mại, dịch vụ… Trong tương lai sẽ phát triển nổi trội hơn nữa. Do đó, đây là ngành có nhu cầu nhân lực rất cao. Hiện nay ngành CNTT có nhiều định hướng đào tạo, theo đó, các em có thể học về lĩnh vực khoa học máy tính, hệ thống thông tin quản lý, bảo mật thông tin… Sau khi tốt nghiệp, người học có rất nhiều cơ hội việc làm, không chỉ làm chuyên viên trong bảo mật an toàn thông tin, quản trị thông tin… mà còn có thể làm nhân viên kinh doanh, nhân viên thương mại trên những trang thương mại điện tử. Ông Nguyên cho biết: “Hiện nay tỷ lệ học sinh quan tâm đến ngành CNTT rất nhiều, trong đó có không ít nữ sinh. Các em thường băn khoăn rằng nữ có học được ngành này hay không? Câu trả lời là ngành CNTT không phân biệt nam hay nữ – nữ hoàn toàn có thể học được. Tuy nhiên, khi lựa chọn ngành CNTT, các em cần có các tố chất sau: là người có tư duy logic, có tính kiên trì, đam mê hoạt động trong lĩnh vực CNTT, giỏi các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn toán. Ngoài ra, trong quá trình học, người học phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, do vậy các em cũng phải có năng lực tiếng Anh tốt”.
Học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn đặt câu hỏi cho các chuyên gia
Trước định hướng lựa chọn ngành CNTT, học sinh có thể lựa chọn học tại một số trường như: ĐH Bách khoa, ĐH CNTT thuộc ĐHQG TP.HCM; ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM… Ông Nguyên chia sẻ thêm: “Mỗi trường đào tạo sẽ có những sự hỗ trợ khác nhau. Do vậy, để chọn được ngành nghề và môi trường học tập phù hợp với bản thân, các em cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo tại từng trường. Ngoài ra, năm 2020, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, do vậy các em phải tính toán năng lực của mình để chọn tổ hợp môn và phương thức xét tuyển phù hợp”.
Bài, ảnh: H.Thương
Bình luận (0)