Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sự trở lại văn đàn của “Hoa Tiên”

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa Tiên là truyện thơ Nôm của nhà thơ Nguyễn Huy Tự viết bằng thể thơ lục bát dài 1.766 câu, dựa vào ca bản của Trung Quốc. Mặc dù cốt truyện của nước ngoài nhưng tác giả đã chuyển cả văn lẫn thể với một cảm hứng đặc sắc, thể hiện cái đẹp của văn chương đích thực. Điều đó nói lên công sức sáng tạo của Nguyễn Huy Tự. Không đơn giản khi Cao Bá Quát đã đặt Hoa Tiên (nguyên tác) bên cạnh Đoạn Trường Tân Thanh.
Nội dung của Hoa Tiên là chuyện tình xảy ra trong cảnh lầu son gác tía; ca ngợi cái đẹp “ái ân”, cái đẹp “tình phong nhụy” của đôi trai tài gái sắc Phương Châu và Dao Tiên. Hệ thống nhân vật đạt đến mức hoàn chỉnh, mỗi người một vẻ: Dao Tiên e lệ, kín đáo, đa sầu đa cảm; Ngọc Khanh dứt khoát mà dịu dàng; Nguyệt tinh ranh nghịch ngợm; còn Hương thì đằm thắm hiền lành. Cả chùm hoa thiếu nữ duyên dáng tươi mát được khắc họa sâu sắc, hồn nhiên, sinh động. Tác phẩm thể hiện một ý thức mới về cá nhân: khao khát yêu đương và ở đây hạnh phúc lứa đôi có phần vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến để thăng hoa thành tình yêu.
Hoa Tiên là bước tiến dài so với truyện Nôm trước đó. Do tác phẩm này dùng nhiều điển tích cầu kỳ nên không được phổ biến như Đoạn Trường Tân Thanh. Tuy thế, Hoa Tiên cũng ảnh hưởng hỗ tương đối với Đoạn Trường Tân Thanh. Đọc Hoa Tiên hay Truyện Kiều, độc giả trân trọng và tri ân những tác giả tài hoa, những con người có hoài bão lớn đối với văn hóa dân tộc, mở bước khai phá cho thơ lục bát (thế kỷ XVIII). Đây là các bậc sĩ, có điều kiện nhưng không ra làm quan mà đi vào con đường văn chương. Nhờ vậy, nền văn chương Việt Nam mới có được những thi phẩm tuyệt tác. Tuy là tuyệt tác nhưng trước đây cũng như hiện nay, Hoa Tiên hầu như chưa được phổ biến rộng rãi. Thậm chí, không ít người còn không biết Hoa Tiên đó là tên tác phẩm văn học, là tờ giấy hoa tiên hay là tên một nhân vật (?!).
Là một nhà giáo cũng là nhà nghiên cứu văn học gắn bó với các tác phẩm lớn bằng chữ Nôm như Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Đoạn Trường Tân Thanh…, cô Bùi Ấu Lăng đã khẳng định: “Nền văn học cổ là một kho tàng vô giá cho những nhà văn. Và chỉ có chữ Nôm và nền văn học chữ Nôm mới tích lũy và bao hàm những cá tính của dân tộc ta”. Để giữ gìn, phổ biến cũng như để các thế hệ độc giả Việt Nam có cơ hội tiếp cận, hiểu rõ hơn về Hoa Tiên, cô Bùi Ấu Lăng đã cho in thành sách công trình đầy tâm huyết và trí tuệ Hoa Tiên: Một tình yêu đích thực(*). Theo nhà nghiên cứu Hán – Nôm, giáo sư Nguyễn Quảng Tuân thì “đây là công trình nghiên cứu công phu và có giá trị”.
Cuốn sách chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là nghiên cứu tổng quát về Hoa Tiên gồm 3 chương: Hiện trạng; Những vấn đề chung quanh Hoa Tiên, xuất xứ, tác giả, công trình nhuận chính của Nguyễn Thiện, Vũ Đãi Vấn; Hình thức nghệ thuật; Đặc biệt là phần phân tích nội dung tác phẩm để chứng minh cho một tình yêu đích thực.
Phần thứ hai: Phiên âm, khảo dị, khảo thích. Đây là phần nghiên cứu công phu, đòi hỏi phải có một phương pháp khoa học và sự hiểu biết sâu rộng về xã hội, nhân sinh quan, về bối cảnh văn học thế kỷ XVIII, XIX và XX. Cuối cùng là Phần Phụ lục bản ngữ Nôm Hoa Tiên Nhuận Chính. Với khảo cứu sâu rộng, tin rằng những người yêu văn học được tiếp cận trọn vẹn với một tuyệt phẩm thơ Nôm của tiền nhân để lại.
Đỗ Thị Hồng Cúc
(*) Hoa Tiên: Một tình yêu đích thực – Bùi Ấu Lăng – NXB Thanh Niên.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)