Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sự tương tác… cho ta một lối đi

Tạp Chí Giáo Dục

Bước chân vào nghề viết lách đòi hỏi người tác nghiệp phải có lửa nhiệt huyết cộng lòng đam mê. Bởi cái nghề không mấy nhẹ nhàng có thể khiến cho bạn hoặc tôi bỏ giữa đường trước sự vất vả, nguy hiểm. Và nghề cũng có thể đánh bật bạn hay tôi khi hành nghề viết lách nhưng nghèo ý tưởng, thiếu đề tài… Ấy vậy, chỉ là sự ham thích trong đó chứa đựng một phần tò mò “thử” – tôi đến với nghề trong tâm thế là một kẻ ngoại đạo. Sau giai đoạn tập sự rồi sang phóng viên, thời gian tôi vào nghề cũng ngót nghét hơn năm, thành quả của tôi có bài dài, bài ngắn – lần lượt được đăng trên mặt báo. Chỉ một nỗi hiếm bài được sếp khen. Đây cũng là lí do khiến tôi tự hỏi: Sao mình vẫn gắn bó với nghề báo cho đến hôm nay nhỉ?
Có lẽ cái nghề “con chữ nối liền những mặt người xa lạ” sẽ mang đến cho bất kỳ ai từng tham gia tác nghiệp không ít thì nhiều kỷ niệm với nhân vật trong “đứa con tinh thần” của mình. Tôi cũng vậy. Khá nhiều bài viết xoay quanh vấn đề học đường, gia đình, sức khỏe, rồi đến tham vấn tâm lý theo lứa tuổi cho đến mọi nhân vật mỗi người một số phận khác nhau.
Và cũng chính những nhân vật đó mang đến cho tôi sự so sánh để rồi đọng lại trong tôi bao niềm xúc động, thương cảm khi đối diện với họ. Theo chân chương trình “Ước mơ của Thúy”, tôi lần đầu đặt chân đến Khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mà không khỏi bỡ ngỡ, xúc động xen lẫn tình thương. Căn bệnh ung thư quái ác mà các em đang mang khiến thân hình trở nên gầy gò, xanh xao. Sự mệt mỏi, đau đớn trong mỗi lần xạ trị khiến các em nhăn nhó, khóc hờn, theo đó mái tóc cũng rụng dần… Song, các em không ý thức được sự sống của mình kéo dài đến khi nào. Các em vẫn vui, cười khi đến với lớp học chữ tình thương cuối hành lang Khoa Nhi của cô giáo Trịnh Thị Kim Phấn (GV Trường TH Đuốc Sống, Q.1) cùng các giáo viên khác và những sinh viên tình nguyện. Đơn giản bởi có nhiều em chưa một lần đến trường, vì thế được cô giáo cầm bút tô chữ, học đọc, đánh vần, làm toán, các em rất đỗi vui và hạnh phúc. Hình ảnh ấy khiến tôi không kìm được cảm xúc bởi như bao đứa trẻ khác, cùng chung tuổi thơ song các em lại không chung hoàn cảnh số phận. Sự sống các em chỉ trông chờ vào những lần xạ trị, truyền nước, truyền dịch. Cũng chính hình ảnh khiến tôi mong muốn lần sau đến thăm có thể giúp được gì cho các em?
Có lẽ điều mong muốn của tôi, bạn hay bất kỳ ai là làm sao kêu gọi cộng đồng và xã hội hướng về các em, giúp các em nhận thêm nhiều nụ cười niềm vui, kéo dài thêm sự sống dù thời gian không nhiều. Việc làm ấy, trong nghề viết lách có thể góp phần không nhỏ. Đây có thể là câu trả lời cho điều tôi đã hỏi. Song điều thú vị và ý nghĩa hơn khi nghề viết lách đã tạo điều kiện cho tôi và bạn nhìn tận mặt, nghe tận tai các nhân vật có tính cách, hoàn cảnh khác nhau với những địa vị, vị thế cũng chẳng như nhau trong xã hội – những nền tảng xây dựng nhiều giá trị cho cuộc sống của tôi và bạn. Điều này khiến tôi cảm thấy khá thú vị…
NGỌC TRINH

Bình luận (0)