Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sự vội vàng hay xa thực tế?

Tạp Chí Giáo Dục

 Ngay sau khi dự thảo Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” với số tiền khổng lồ lên tới 70.000 tỉ đồng do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu xây dựng được đưa ra lấy ý kiến một số tổ chức, cơ quan, các nhà khoa học, đã vấp phải sự phản ứng khá gay gắt từ các nhà nghiên cứu, giáo sư hàng đầu về giáo dục. Liên tục trong những ngày qua, đề án này đã trở nên nóng bỏng và được "mổ xẻ” tương đối kỹ lưỡng trên các phương tiện truyền thông.
Nhiều ý kiến phản biện thẳng thắn cho rằng đề án trên chỉ là "bản nháp vội vàng”, sự "làm ngược quy trình”… Ứng phó lại phản ứng gay gắt của dư luận, Văn phòng Bộ GD&ĐT đã lập tức có ngay văn bản giải thích rằng tổng số tiền thông qua đề án chỉ là mức "khai toán” (?) Không rõ từ "khai toán” này được hiểu theo hàm nghĩa gì! Một đề án được xây dựng và công bố nghiêm túc tại Hội thảo các nhà khoa học, khi vấp phải phản ứng dư luận lại được giải thích bằng một từ có nội hàm rất khó xác định.


Nhu cầu sách giáo khoa là rất lớn, Ảnh: HOÀNG LONG

Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT với tinh thần cầu thị đã gửi lời cảm ơn (qua văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký thay Bộ trưởng) tới các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức và cá nhân đã kịp thời đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Đề án. Nội dung lời cám ơn đánh giá rất cao ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu (được đăng tải trên báo chí) đã thể hiện "tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của đất nước”. Chốt lại, Bộ GD&ĐT hứa sẽ chỉ đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để nâng cao chất lượng dự thảo, hoàn thiện đề án, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Những nét cơ bản mang tính vĩ mô của Đề án khổng lồ về "đổi mới chương trình giáo dục, SGK phổ thông sau 2015” có tổng trị giá lên tới 70.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2017, dự án này sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm, năm 2019 sẽ triển khai đại trà trên toàn quốc. Đề án đổi mới chương trình giáo dục, SGK phổ thông dự kiến sẽ phân bổ kinh phí cho việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK các cấp học, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy là 962 tỉ đồng; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất giáo dục là 35.000 tỉ đồng; kinh phí đầu tư thiết bị dạy học là 30.050 tỉ đồng; kinh phí triển khai thí điểm dự án là 591 tỉ đồng.
Thực ra không quá ngạc nhiên khi dư luận đồng loạt lên tiếng phản ứng lại những gì Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã "tích hợp” trong bản dự thảo đề án chỉ vẻn vẹn 32 trang. Với vai trò một đề án giáo dục mang tầm cỡ quốc gia, đạt tổng trị giá vượt khung, phải trình Quốc hội thông qua, xem xét, một đề án mang sứ mệnh đặc biệt là thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng là "Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” lẽ ra Để án phải được xây dựng một cách công phu, đảm bảo yếu tố bền vững, khả thi, mang triết lý giáo dục căn bản và sự tổng kết thực tiễn…
Xin điểm lại những ý kiến phản biện của các giáo sư, các nhà khoa học về đề án khổng lồ này trên các phương tiện truyền thông trong suốt thời gian qua. GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ đã không ngần ngại bộc lộ quan điểm "đây là cách làm thông thường của Bộ GD-ĐT, thể hiện sự dễ dãi trong sử dụng tiền thuế của nhân dân”. Theo GS Hảo, điều khó hiểu là SGK theo chương trình cải cách đã thực hiện 10 năm qua mà không hề có sự đánh giá, thẩm định tính hiệu quả, sự thích ứng hoặc những hạn chế, thì đã xây dựng đề án thay SGK mới. Vậy, SGK hiện hành sẽ bị "khai tử” bởi nguyên nhân gì? VS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội đánh giá, Đề án mới có đề mục giống hệt "Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa” đầu tiên vào năm 2002, chỉ khác tổng kinh phí dự trù được nâng từ 32.000 tỉ đồng lên 70.000 tỉ đồng. GS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý-Giáo dục Việt Nam cho rằng "đổi mới căn bản, toàn diện” ngành giáo dục không thể chỉ là việc xây dựng một chương trình, một bộ SGK mới trên cái nền có quá nhiều bất ổn". GS Văn Như Cương đã đưa ra một "đáp án” cho việc sử dụng triệt để 70.000 tỉ đồng: một là xây 1.000 ngôi trường mới (30 tỉ đồng/trường), hai là phát không SGK cho mọi học sinh trong 5 năm tới, ba là tăng lương cho thầy cô giáo (mỗi người một năm thêm 10 triệu) trong 4 năm tới! Ông Cương lo ngại tính khả thi của việc đổi mới chương trình, thay SGK này bởi Đề án không được xây dựng trên nền tảng của sự trải ngiệm thực tế, do đó yếu tố lãng phí và phi hiệu quả là rất cao. GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, nếu việc đổi mới giáo dục, thay SGK mang lại tính hiệu quả cao như mong muốn, sẽ tạo nên những thế hệ "vàng” học sinh cho hàng chục năm tiếp theo, thì kinh phí dành riêng cho việc thay SGK không phải là quá lớn; chỉ 962 tỉ đồng, tức là chưa bằng việc xây dựng 1km đường Kim Liên (Hà Nội)! Nhưng đó chỉ là hy vọng. Còn nếu, Đề án trên không bộc lộ tính khả thi và hiệu quả bền vững do sự vội vàng, thì hậu quả xảy ra là con thuyền giáo dục sẽ ngày càng mất phương hướng, tròng trành không lối thoát.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chưa thể điểm lại hết các ý kiến được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Song những ý kiến đó cũng đã ít nhiều phản ảnh được dư luận xã hội mong muốn Bộ GD-ĐT có một đề án đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm về công việc này trong thời gian qua; đặt trong một tổng thể những vấn đề có tính chiến lược của ngành giáo dục cũng như của nền kinh tế – xã hội đất nước theo tinh thần Đại hội XI; có một lộ trình mang tính khả thi; có sự chuẩn bị công phu, và… không vội vã!

Theo Hoàng Anh Thắng

(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)