Một ngày sau khi thông tin mẫu sữa Hanoi Milk và Anco dính melamine được phát đi, nhiều đại lý, cửa hàng, siêu thị gần như tẩy chay sản phẩm của hai doanh nghiệp này.
> Sữa gây sạn thận đã có ở Việt Nam
Sáng qua (2/10), hơn 20 siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op Mark đã thông báo trả lại hàng nếu phía Hanoi Milk không sớm gửi giấy chứng nhận sản phẩm không chứa chất melamine. Khoảng 40.000 hệ thống cửa hàng, đại lý trên toàn quốc cũng từ chối bán sản phẩm. Các sản phẩm của Công ty Anco cũng gần như bị "quyét sạch" khỏi hệ thống siêu thị, cửa hàng, đại lý tại Hà Nội.
Theo ghi nhận của chúng tôi trưa 2/10, nhiều siêu thị, đại lý ở Hà Nội gỡ các sản phẩm sữa của Anco, Hanoi Milk khỏi kệ hàng vì lo ngại có độc tố. Một số tìm cách trả lại nhà cung cấp số hàng đã nhập, trong đó có cả những sản phẩm được chứng nhận an toàn.
Sữa trong siêu thị được chứng nhận an toàn vẫn ế. Ảnh: PV. |
Ông Lê Trọng Hào, Trưởng phòng thu mua của Hapro cho hay hơn một tuần nay siêu thị không nhập hàng của Anco, Hanoi Milk, do vậy những mẫu sữa đã được công bố dính melamine đều không có mặt ở đây. Với những hãng lớn như Dutch Lady, Vinamilk, siêu thị cũng yêu cầu nhà cung cấp đưa giấy xác nhận sản phẩm không có chất bị cấm. Người dân dè dặt mua hàng, theo ước tính ban đầu doanh số của Hapro đã sụt giảm đến trên 30% chưa đầy một tuần xảy ra sự cố.
Tại BigC, sữa tiệt trùng của Anco bị quét sạch khỏi sạp hàng. Phụ trách gian hàng thực phẩm của BigC cho biết rất ít khách đến quầy sữa. Tâm lý bất an của người tiêu dùng khiến các dòng sản phẩm của Vinamilk, Dutch Lady, sữa ngoại khác cũng bị hắt hủi.
Thông báo tại một đại lý trên phố Trần Huy Liệu. Ảnh: PV |
Trên các sạp hàng của siêu thị, sữa Izzi của công ty Hanoi Milk dù được chứng thực là không bị dính chất độc hại nhưng cũng bị dỡ xuống do khách hàng xa lánh.
Đại diện kinh doanh của siêu thị Intimex cũng cho biết, họ đã dán các thông báo lên sạp hàng, chứng nhận các sản phẩm sữa an toàn, nhưng vẫn không kéo được khách quay trở lại. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn sức mua cũng rất chậm.
Các đại lý sữa trên phố Đội Cấn, Ngọc Khánh, Thái Hà, Hào Nam… cũng trong tình trạng ế ẩm. Đại lý phân phối sữa trên phố Trần Huy Liệu trong sáng 2/10 còn không bán nổi một bịch. Không chỉ khách hàng mà cả người bán cũng tích cực đọc báo, xem tivi để nghe ngóng thông tin. Không khí ảm đạm bao trùm lên thị trường sữa.
Cách đây một tuần, khi đoàn thanh tra của Bộ Y tế kiểm tra và phát hiện tại kho của Hanoi Milk đang cất giữ gần 300 tấn sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc, lập tức, gần 20 sản phẩm của Hanoi Milk đã bị người tiêu dùng "tẩy chay" dù chưa biết loại sữa đó có chứa melamine hay không.
Công ty Anco là đơn vị đầu tiên lọt vào danh sách đen có dính dáng đến độc tố melamine nên các hoạt động sản xuất gần như bị đình đốn.
Không chỉ có Hanoi Milk, Anco mà các doanh nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng. Sau vụ "sữa bột bị hô biến thành sữa tươi", vụ độc tố melamine như giáng thêm một đòn nữa vào niềm tin của người tiêu dùng. Không có lời nào để giải thích, thanh minh cũng chẳng ai tin, doanh nghiệp đành cứu mình bằng cách tự gửi mẫu sữa đến các cơ quan chức năng để xét nghiệm.
Đại lý sữa than vắng khách. Ảnh: PV |
Chiều qua, phía Anco cũng tổ chức họp báo để "nói lời xin lỗi với người tiêu dùng", đồng thời công bố các kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng. Tổng giám đốc Anco – Phan Đức Bình cho biết công ty thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa tiệt trùng UHT đã dùng nguyên liệu sữa bột Trung Quốc. Riêng các sản phẩm khác được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sữa tươi Ba Vì và có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng thì được tiếp tục bán.
Tổng giám đốc Hanoi Milk Trần Đăng Tuấn than thở: "Thị trường đang rất hỗn loạn, ngoài lời xin lỗi người tiêu dùng, chúng tôi chỉ còn cách chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng".
Trong khi chờ kết quả kiểm tra, những ngày qua, doanh số bán hàng của Hanoi Milk gần như bằng không. Cán bộ bán hàng dù có giải thích thế nào, người tiêu dùng vẫn từ chối.
Một giám đốc phụ trách bộ phận thu mua của Hanoi Milk thì cho rằng nguyên liệu sữa mà công ty nhập từ Trung Quốc về có đầy đủ giấy tờ, được cơ quan chức năng chứng nhận và kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng khi có chuyện chất melamine có trong sản phẩm của Trung Quốc thì doanh nghiệp bị kiểm tra, bị rêu rao trên báo chí cứ như là "cố tình phạm tội".
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để điều tra về chất lượng sản phẩm. Chúng tôi mong các cơ quan truyền thông hiểu rằng doanh nghiệp cũng là nạn nhân vì họ không biết rằng trong sản phẩm họ nhập về có chứa độc tố melamine", vị giám đốc này nói.
Hồng Anh – Thanh Phương (Theo VNE)
Bình luận (0)