Sữa bò dù rất tốt cho sức khỏe chúng ta nhưng tùy vào cơ địa của từng người mà sẽ nảy sinh những phản ứng tốt, xấu khác nhau sau khi uống.
Sữa bò là thực phẩm được sử dụng phổ biến vì chứa nhiều chất đạm, vitamin, canxi cần thiết cho cơ thể. Với thành phần dinh dưỡng đa dạng, sữa bò rất quan trọng trong việc tăng trưởng tốt nhất về chiều cao cho trẻ, tăng cường dưỡng chất cho người suy nhược và phòng chống loãng xương ở người già.
Lưu ý khi cơ địa dị ứng
Sữa bò dù rất tốt cho sức khỏe chúng ta nhưng tùy vào cơ địa của từng người mà sẽ nảy sinh những phản ứng tốt, xấu khác nhau sau khi uống. Với người không hấp thu được đường lactose trong sữa bò, nếu uống nhiều trong lúc đói sẽ thấy bụng khó chịu như đau thắt, sình bụng, tiêu chảy, trung tiện nhiều bất thường… Để tránh tình trạng trên, nên chia nhỏ lượng sữa uống trong ngày hoặc uống sau khi ăn, tránh uống vào những thời điểm căng thẳng như lúc vào phòng thi hay chuẩn bị dự một cuộc họp quan trọng.
Nên chia nhỏ lượng sữa uống trong ngày và uống sữa sau khi ăn – Ảnh: Xuân Thảo |
Một số người, đặc biệt trẻ em dưới 1 tuổi, có cơ địa dị ứng với sữa bò (chủ yếu là dị ứng chất đạm). Trẻ dưới 1 tuổi thì khả năng tiêu hóa còn yếu, khó tiêu chất đạm trong sữa. Sau khi uống, những người có cơ địa dị ứng với sữa bò có thể bị nổi mẩn đỏ, mề đay, chàm da, nôn trớ, thở khò khè (lên cơn hen suyễn), phân có máu… Lúc này, chỉ cần ngưng uống sữa sẽ hết dị ứng.
|
Một thời gian sau, khi tiếp tục uống sữa sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự. Với các triệu chứng ở mức độ nhẹ, có thể thử uống lại 2-3 lần để biết chắc chắn do dị ứng sữa bò hay vì thức ăn khác. Trẻ bị dị ứng sữa bò có thể uống loại đã thủy phân chất đạm hoặc sữa đậu nành bột đóng hộp. Thường sau 1 tuổi, trẻ có thể hết dị ứng sữa do khả năng tiêu hóa thức ăn đã tốt hơn.
Người bị viêm tụy cấp tính với biểu hiện nôn ói và đau bụng dữ dội phải kiêng ăn uống, thậm chí không được uống sữa bò trong giai đoạn viêm cấp. Đến khi ổn định sức khỏe, người bệnh mới tập uống nước lọc rồi uống sữa trở lại. Ngay sau phẫu thuật gây mê có liệt ruột, người bệnh phải có nhu động ruột, đánh hơi thì mới được uống sữa.
Nên uống sau khi ăn
Để duy trì một thể trạng khỏe mạnh cần sử dụng sữa phối hợp với chế độ ăn uống hằng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về việc uống sữa thường xuyên.
Bữa ăn gồm 1 chén cơm, 2 miếng thịt kho (hay cá chiên), 1 chén canh có năng lượng khoảng 350-400 kcal. Với sữa bò tươi thì phải uống nửa lít mới đạt mức năng lượng tương đương như thế nhưng cơ thể vẫn thiếu chất xơ nếu không ăn rau, quả. Vì vậy, chỉ nên uống sữa sau khi ăn nhằm bổ sung dinh dưỡng nếu bữa ăn ít hay thiếu chất hoặc chỉ tạm thay thế trong thời gian bệnh nặng không thể ăn được.
Uống sữa bò không thể thay thế bữa ăn nên chúng ta không nên chủ quan chỉ uống 1 ly trong bữa ăn sáng vì sẽ dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết sớm, đói bủn rủn, buồn ngủ, ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt và làm việc.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)