Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sữa đắt tiền chưa hẳn đã tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cha mẹ chọn sữa cho con Thông thường các bà mẹ không thể đánh giá được chất lượng của sữa, bởi con uống chứ mẹ không uống.Theo đó, khi mua sữa, các bà mẹ thường có khuynh hướng dựa vào giá cả và quy mô quảng cáo của s1ản phẩm. Sữa càng đắt, quảng cáo càng rầm rộ thì phụ huynh càng mua nhiều. Nhưng giá cả có thực sự là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm?

> Sữa là thực phẩm hoàn hảo

 

Sữa tốt nhất là sữa phù hợp với trẻ

 

Những năm gần đây, do đời sống vật chất của người dân tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… nên lượng sữa tiêu thụ hàng năm cũng tăng lên. Theo ông Trần Ngọc Dũng – chuyên viên nghiên cứu thị trường Công ty FTA, mỗi năm lượng sữa tiêu thụ trên thị trường tăng khoảng 6%, giá tăng khoảng 20%, đặc biệt là giá sữa dành cho trẻ em tăng rất nhanh. Thu nhập bình quân của người Việt Nam thuộc hàng thấp so với thế giới, nhưng giá sữa ở nước ta lại quá cao. Thậm chí là gấp 200% so với các nước ở khu vực Đông Âu, Bắc Mỹ. Ở 2 khu vực này, 1kg có giá khoảng 0,4USD nhưng ở Việt Nam là 0,82USD…

 

“Sở dĩ người tiêu dùng trong nước phải mua sữa với giá cao như vậy là do các nhãn sữa cộng thêm giá vận chuyển, thuế nhập khẩu thành phẩm, chi phí nhân công lao động tại nước ngoài, chi phí quảng cáo…”, thạc sĩ Lương Vinh Quốc Huy – giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM giải thích.

 

Qua phân tích trên cho thấy, các bà mẹ đã rất sai lầm khi cho rằng, sữa đắt tiền là sữa tốt. Vậy như thế nào là sữa tốt?

 

“Sữa tốt là sữa phải phù hợp với cơ địa của đứa trẻ, nghĩa là khi uống sữa đứa trẻ tăng cân bình thường, không bị ói, tiêu chảy, bón. Theo đó, khi chọn sữa cho con, các bà mẹ phải căn cứ vào yếu tố dinh dưỡng cơ bản của sữa như chất đạm, chất béo, canxi. Cụ thể, 1 lít sữa phải cung cấp tối thiểu 650kcalo, 780mg canxi, 32g protein, 33g chất béo thì mới đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển chiều cao, cân nặng, cơ bắp và trí não. Nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, trẻ sẽ rất dễ bệnh vặt, không phát triển một cách toàn diện. Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm đến tình trạng dinh dưỡng, lứa tuổi, khẩu vị của trẻ. Chỉ nên mua sản phẩm của những nhà sản xuất tin cậy, sữa còn hạn sử dụng và được bảo quản tốt”, bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyến cáo.

 

Cũng theo bác sĩ Yến Thủy, phụ huynh nên hạn chế việc thay đổi nhãn sữa, chỉ khi nào thấy trẻ có những biểu hiện như ói, tiêu chảy, đau bụng thì mới đổi.

 

DHA, ARA, Choline không làm nên… IQ

 

Không trẻ nào giống trẻ nào, nhưng dường như các ông bố, bà mẹ không muốn thừa nhận thực tế này. Thấy con hàng xóm được điểm 9, điểm 10, là học sinh xuất sắc trong khi con mình chỉ được học sinh khá, thậm chí là trung bình, các bậc phụ huynh “lồng lộn” với con: “Tại sao thằng xoài, thằng ổi nó học giỏi mà mày học dốt thế”. La mắng con xong là họ ra chợ hoặc siêu thị mua ngay một hộp sữa đắt tiền được quảng cáo là sẽ giúp con họ thông minh. Bởi họ tin rằng: “Uống sữa vào thì ngày mai con mình sẽ thông minh như con nhà hàng xóm”. Liệu “ngày mai” đứa trẻ có thông minh?

 

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng: “Trí thông minh không phải là quả trứng được “đẻ” ra một cách vô tư từ sữa. Thực chất cho thấy trí thông minh có nguồn gốc và chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như di truyền (bẩm sinh) – đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định 60-70% sự thông minh của đứa trẻ, môi trường sống – điều kiện tối quan trọng, cách giáo dục – quyết định trực tiếp đến sự thông minh của đứa trẻ. Các bậc phụ huynh đừng nghĩ rằng, các dưỡng chất thông minh như DHA, ARA, Choline sẽ làm tăng một cách đột biến IQ (chỉ số thông minh) của đứa trẻ, nó chỉ giúp các yếu tố di truyền phát triển một cách tối đa. Vì vậy, không nên bổ sung nhiều dưỡng chất thông minh mà chỉ cần bổ sung một cách hợp lý với nhu cầu phát triển của đứa trẻ. Thực tế cho thấy, hầu hết các nhãn sữa ngoại đắt tiền hay các sản phẩm của những công ty uy tín trong nước với giá cả phải chăng thì hàm lượng các chất dinh dưỡng cơ bản cũng như các dưỡng chất thông minh bổ sung DHA, ARA, Choline gần như tương đương nhau…”.

 

Khoa học đã phân chia IQ của con người ra 7 mức: cực kỳ cao, rất cao, cao, trung bình, thấp, rất thấp và cực kỳ thấp. Xấp xỉ 15% dân số có IQ ở mức từ cao trở lên, còn lại là mức trung bình chiếm từ 80 – 85%. Do đó, “Nếu thằng cam nhà bạn không học giỏi như thằng quýt nhà hàng xóm thì đó cũng là chuyện bình thường”, ông Sơn nhấn mạnh.

 

Bài & ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)