Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sữa đậu nành bán dạo đường phố – Chất lượng: giật mình!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, sữa đậu nành đường phố là một trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao. Tuy nhiên cho đến nay, một phân khúc không nhỏ của thị trường sữa đậu nành đường phố hiện vẫn bị thả nổi hoàn toàn về chất lượng.
  • Công nghệ nấu sữa chín giả
Hoạt động của xóm sữa đậu nành trên đường Ni Sư Huỳnh Liên (quận Tân Bình TPHCM) thường bắt đầu từ rất sớm với các hoạt động nhộn nhịp như: xay đậu, nhóm bếp, nấu sữa, chắt sữa vào chai, chuẩn bị đẩy xe đi bán rong. Điều đáng nói là tất cả “nhà máy sản xuất sữa đậu nành” rất quy mô ở Tân Bình, chuyên cung cấp sữa đậu nành cho người tiêu dùng tại quận này và các quận lân cận đều nằm toàn bộ trên vỉa hè!
Chưa thể kiểm định được chất lượng sữa đậu nành bán rong ngoài đường phố.
Người mua, bán, người châm đậu vào cối xay, người xách xô, xách thùng, người châm củi lửa, rồi nồi niêu, xoong chảo, ly chén, chai lọ… tất cả đều đặt trên vỉa hè. Phần lớn các nhà bán sữa đậu rong thường không ngâm đủ thời gian, chọn đậu cũ và có khi lẫn cả hạt mốc, vỏ còn nguyên.
Loại sữa này nấu xong vẫn có mùi hôi. Để giải quyết vấn đề này, theo một chủ lò nấu, chỉ cần sử dụng ít phụ gia mùi đậu nành có thể mua dễ dàng ở chợ Kim Biên, trung tâm kinh doanh hóa chất tại quận 5, TPHCM. Chỉ với vài ngàn đồng phụ gia là lập tức sẽ có một nồi sữa thơm ngon như thật.
Một điều đáng lưu ý là để tránh khét, đa phần các lò nấu sữa đậu nành đều chỉ để sữa sôi giả tại nhiệt độ 88°C, sau đó những gánh hàng rong tiếp tục cho sữa vào túi ni lông cột chặt dây thun và để trong nồi nấu liu riu trong suốt quá trình bán sữa. Sự sôi giả của sữa đậu nành nấu theo phương pháp thủ công làm cho các vi khuẩn, mầm mống gây bệnh trong sản phẩm này chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.
  • Chất lượng: nhiều độc tố!
Kết quả kiểm tra vi sinh của các mẫu phẩm sữa đậu nành đường phố (lấy từ các gánh hàng rong và từ các lò sữa đậu nành cung ứng cho các nhà trẻ, tiệm cơm bình dân, các quán giải khát) do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM thực hiện và thông báo vừa qua cho thấy có rất nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Theo đó, nhiều loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy cũng như các loại nấm mốc nguy hiểm đều có mặt trong các mẫu sữa đậu nành đường phố được kiểm nghiệm với tỷ lệ cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần tỷ lệ cho phép, trong đó đáng lưu ý là: Bacillus cereus (bình thường nếu được đun sôi sẽ bị tiêu diệt, nhưng ở mẫu sữa này vẫn còn tồn tại và nhiều gấp 900 lần tiêu chuẩn cho phép), Clostrisdium perfringens gấp 30.000 lần chỉ tiêu cho phép Coliforms, E.coli gấp 250 lần, nấm men, mốc, TPC – sinh vật hiếm khí gấp 6.800 lần.
Theo Trung tâm Chống độc Việt Nam, phần lớn các trường hợp ngộ độc vì sữa đậu nành kém chất lượng điều trị tại trung tâm đều do tụ cầu vàng gây nên. Khuẩn tụ cầu vàng thường có ở da tay người khỏe mạnh, gần 5% số người được điều tra có khuẩn này. Nó cũng thường có mặt tại các chỗ da bị viêm mủ… Khi tiếp xúc với nguyên liệu hay sản phẩm sữa đậu nành, nếu người bán hàng không rửa tay hoặc bị viêm mũi, viêm họng, ho thì nguy cơ sữa đậu nành bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng của họ rất cao.
Trên thực tế, vi khuẩn này có khả năng sinh độc tố ruột. Khi chúng sống trong điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ môi trường gia tăng đột ngột, thiếu ô xy, sự mất cân bằng áp suất thẩm thấu… độc tố ruột hình thành rất nhanh và gây ngộ độc cấp tính. Thường từ 2 – 6 giờ với triệu chứng gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, vã mồ hôi, mạch yếu…
Theo tiến sĩ y khoa Bùi Mạnh Hà thì ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra nếu sữa đậu nành được nấu từ các loại đậu bị nấm mốc. Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong đậu ẩm mốc rất độc và có thể gây ra ung thư gan. Sữa đậu nành đường phố đang góp phần vào nguy cơ nhiễm độc của người dân ở VN. 
KIM LIÊN (theo SGGP)

Bình luận (0)