“Tốt nghiệp THPT, tôi quyết định đi học nghề sửa điện thoại di động ở một cơ sở dạy nghề tư nhân. Ra trường tôi được một đại lý phân phối máy điện thoại hãng Nokia nhận vào làm việc với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Hai năm sau tôi đã tự mở được cửa hàng và chỉ mấy tháng tôi đăng ký thành lập doanh nghiệp, việc làm ăn ngày càng phát triển, với thu nhập hàng năm gần 300 triệu đồng”, anh Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Rồng Vàng cho biết.
Nghề không lo thất nghiệp
Hiện nay, cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng tăng. Điện thoại trở thành phương tiện không thể thiếu trong đời sống xã hội. Điều này kéo theo nghề kinh doanh và sửa chữa điện thoại cũng phát triển và thu hút lượng lớn giới trẻ tham gia đội ngũ nghề này. Bởi nghề kỹ thuật viên (KTV) sửa máy điện thoại mang tính thời trang, công nghệ, công việc nhẹ nhàng phù hợp với “gu” của giới trẻ. Mặt khác các cửa hàng, công ty cung cấp, sửa chữa đua nhau mở ra, thu hút một lượng lao động khá lớn làm việc tại những cơ sở này. Làm cho nghề sửa điện thoại ngày càng phong phú hơn. Anh Nguyễn Hữu Tài, một thợ sửa điện thoại lâu năm trên đường Điện Biên Phủ (Q.3) cho biết: “Hiện nay điện thoại không những sử dụng để liên lạc mà còn để giải trí, vì vậy nó phát triển rất nhanh. Đồng thời, mức thu nhập của một KTV sửa điện thoại khá cao trung bình từ 3-7 triệu đồng/tháng. Nếu học viên có vốn thì ra trường mở cửa hàng riêng tự kinh doanh, còn không thì đi làm 2-3 năm có kinh nghiệm, rồi tự lập cơ sở riêng”. Anh Nguyễn Hồng Nam, chủ cửa hàng sửa điện thoại trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9) nhìn nhận: “Nguồn nhân lực KTV sửa điện thoại hiện nay rất thiếu, đặc biệt là điện thoại đời mới. Nhiều người bạn tôi mở công ty, nhưng rất khó kiếm KTV vì ai cũng có xu hướng tự lập, còn một số người chịu đi làm cho công ty, hay một số cơ sở tư nhân thì lương rất cao, vì nghề này luôn khan hiếm nguồn nhân lực”.
Kỹ năng
Nghề sửa điện thoại bắt đầu nở rộ từ gần chục năm nay, mặt khác với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự cạnh tranh giữa các công ty lớn trên thế giới như hãng: Nokia, SamSung, Simen… Do vậy, người theo nghề phải luôn cập nhật kiến thức về công nghệ mới trong lĩnh vực điện tử, đặc biệt là lĩnh vực điện thoại di động. Phải nắm rõ về nguyên lý hoạt động của các loại máy, ngoài am hiểu phần cứng, thì phần mềm cũng rất quan trọng như cài đặt nhạc, trò chơi, hay sửa lỗi phần mềm… Hiện nay phần mềm điện thoại di động được cấu tạo có chức năng như một máy vi tính mi ni, muốn thành thạo và giỏi nghề các học viên phải có một trình độ nhất định về công nghệ thông tin. Mặt khác để nắm bắt được công nghệ mới, người học phải có sự đam mê với nghề kỹ thuật, có tính cẩn thận trong mọi công đoạn sửa chữa máy; phải yêu thích máy điện thoại và thích khám phá, mày mò… KTV cũng cần trang bị kiến thức nền tảng về lĩnh vực kỹ thuật, và về những đặc trưng của mỗi loại máy để xác định những “bệnh” nhằm “chẩn đoán” và đưa ra cách “điều trị” tốt nhất. Theo giảng viên Nguyễn Xuân Khoái, Trung tâm Dạy nghề Tia Chớp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1: “Nghề sửa điện thoại không như các nghề kỹ thuật khác, bởi người theo nghề này có một lợi thế là được thực hành ngay trên nhiều loại máy, nhờ vậy mà có thể nắm bắt rất nhanh công nghệ và giỏi thực tế”.
Văn Mạnh
Bình luận (0)