Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sữa độc và cơ chế

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Bê bối sữa độc đã buộc, người tiêu dùng Trung Quốc phải cảnh giác hơn khi đi mua sữa tại các cửa hàngCho đến giữa tuần qua, đã có 27 người Trung Quốc bị bắt giam do liên quan đến thảm họa “sữa độc”, Ntrong lúc số trẻ em bị nhiễm bệnh không ngừng tăng và số quốc gia tuyên bố cấm nhập khẩu, sử dụng thực phẩm có gốc từ Trung Quốc cũng tăng theo. Cơ chế nào gây ra vụ “sữa độc” và làm sao để chặn đứng nó?

Mới tháng trước, thành công của Olympics Bắc Kinh chứng tỏ Trung Quốc có thể huy động hệ thống chính trị của mình hiệu quả như thế nào. Nhưng vụ tai tiếng sữa nhiễm độc lan tràn khắp thế giới trong hai tuần qua lại chứng tỏ sự yếu kém của chính hệ thống đó. Ngày 21-9 vừa qua Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải xin lỗi dân chúng và cam kết sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ chịu trách nhiệm gây ra vụ tai họa sữa nhiễm độc làm 4 trẻ em bị tử vong và hơn 53.000 em khác mắc bệnh, đồng thời sẽ cải tổ tình trạng an toàn thực phẩm ở Trung Quốc. Nhưng một năm về trước, Thủ tướng Ôn cũng đã phải đưa ra cam kết tương tự khi xảy ra vụ tai tiếng thuốc tân dược giả làm hàng trăm em bé phải vào bệnh viện điều trị.

Vụ sữa độc một lần nữa làm bật lên câu hỏi bức xúc rằng, liệu hệ thống chính trị của Trung Quốc có tạo ra được một cơ chế minh bạch và có trách nhiệm hay không? Các vị lãnh đạo Trung Quốc đều biết rõ, một sự điều hành hữu hiệu, một cơ chế minh bạch và có trách nhiệm là điều kiện sống còn để thuyết phục thế giới tin rằng sản phẩm “Made in China” là an toàn và tin cậy được. Có gây dựng được một niềm tin như vậy Trung Quốc mới có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, chính nhu cầu kiểm soát xã hội một cách chặt chẽ – cả về mặt kinh tế lẫn về mặt thông tin – đã và đang xói mòn tính chất độc lập của một hệ thống điều hành hữu hiệu, xói mòn khả năng tạo ra một cơ chế minh bạch và tin cậy.

Trong vụ sữa độc, đáng tiếc là chính sự ưu tiên chính trị hàng đầu cho việc tổ chức một Thế vận hội “hài hòa” đã là một nhân tố gây nên thảm họa. Nhiều vị phụ huynh đã cố gắng lên tiếng cảnh báo nhưng đều vấp phải sự im lặng đáng sợ của bộ máy quan liêu, trong khi đội ngũ nhà báo thì bị cơ quan kiểm duyệt ngăn cản, không cho phép đưa tin về các đề tài “nhạy cảm về chính trị” trong thời gian chuẩn bị và diễn ra Thế vận hội.

Phần lớn sự phẫn nộ đối với vụ sữa độc tập trung vào việc bằng cách nào mà vụ nhiễm độc này được che giấu trong nhiều tháng trời, làm cho các vị phụ huynh mua sữa độc mà không hề biết rằng mình đang đầu độc chính con cái mình. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ chỉ mới biết tới sự việc vào đầu tháng 9; họ lên án các tập đoàn kinh doanh tham lam và các quan chức địa phương đã ém nhẹm vụ khủng hoảng một cách sai trái. Tuy nhiên gần đây có những bằng cớ cho thấy những lời cảnh báo đầu tiên về vụ việc đã bị ém nhẹm bởi cơ quan kiểm duyệt báo chí và sự tắc trách ở ngay tầng lớp cao nhất ở Bắc Kinh.

Ông Fu Jianfeng, biên tập viên một tờ báo hàng đầu ở Trung Quốc, tờ Phương Nam cuối tuần, đã miêu tả trong blog cá nhân của mình bằng cách nào mà tờ báo này khám phá những trường hợp trẻ em bị bệnh hồi tháng Bảy – hai tháng trước khi vụ lùm xùm được hé lộ cho công chúng – nhưng đã không thể đăng tin bài lên báo vì thời điểm đó quá gần ngày khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh 2008. “Là một biên tập viên thời sự, tôi hết sức lo lắng. Tôi biết đây là một tai họa lớn cho sức khỏe cộng đồng nhưng tôi không thể cử phóng viên tới đó để làm tường thuật”, ông Fu viết vào ngày 14-9.

Trước đó nữa, vào ngày 30 tháng Sáu, một bà mẹ ở tỉnh Hồ Nam đã viết một bức thư thật chi tiết, khẩn cầu sự giúp đỡ của cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm là Tổng cục Giám sát Chất lượng, Kiểm định và Kiểm dịch. Lá thư này, về sau được đăng trên trang web của Tổng cục, miêu tả số lượng ngày càng tăng số trẻ em ở một bệnh viện nhi địa phương bị bệnh sạn thận sau khi uống sữa bột do Công ty Tam Lộc sản xuất. Bà mẹ đó nói rằng, bà đã cầu cứu Công ty Tam Lộc và giới chức địa phương nhưng vô ích. “Nguy cấp! Nguy cấp! Nguy cấp!” bà viết. Bà kêu gọi chính phủ ở Bắc Kinh ra lệnh thu hồi sản phẩm, công bố tin tức đến giới truyền thông và tiến hàng xét nghiệm y tế cho những trẻ em nào đã uống sữa của tập đoàn Tam Lộc. “Xin làm ơn điều tra xem có phải loại sữa này có vấn đề hay không; nếu không thì sẽ có thêm nhiều trẻ em bị bệnh”, bà viết.

Kẹo sữa nhãn hiệu Thỏ trắng, một thương hiệu kẹo nổi tiếng của Trung Quốc, cũng phát hiện là có chất melamine

Cách đó hàng trăm dặm về phương Bắc, Sở Y tế tỉnh Cam Túc cũng phải đối mặt với sự bùng nổ bất thường các ca bệnh nhi. Phát ngôn viên Sở Y tế Cam Túc, ông Yang Jingke, cho biết hồi tháng Bảy, cơ quan ông đã gửi một báo cáo khẩn lên Bộ Y tế ở Bắc Kinh, báo cáo sự kiện các bệnh viện địa phương đều báo cáo số lượng các ca bệnh nhi bị nhiễm sạn thận tăng vọt. Phát biểu tại một cuộc họp báo vào cuối tháng Chín, ông Yang nói rằng tất cả các trẻ em đó đều dùng cùng một loại sữa. Ông cũng cho biết Bộ Y tế đã trả lời rằng, họ coi đây là một vấn đề “có tầm quan trọng” và sẽ điều tra. Nhưng rồi không có chuyện gì xảy ra cả.

Để xử lý những vụ tai tiếng, chính quyền Bắc Kinh thường dùng biện pháp cách chức và bắt giam các viên chức cao cấp. Sau vụ lùm xùm thực phẩm và dược phẩm giả năm ngoái, Cục trưởng Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã bị xử tử vì tội tham nhũng và vụ xử tử này được coi như một thông điệp nghiêm khắc nhằm răn đe các quan chức cấp thấp hơn trong guồng máy hành chính. Sau đó chính quyền tiến hành một chiến dịch kiểm tra kéo dài bốn tháng, giống như một cuộc truy quét tệ nạn trên toàn quốc với chi phí lên tới 1,1 tỉ đôla Mỹ. 1.187 cuộc điều tra hình sự được mở ra, 300 cơ sở sản xuất dược phẩm ngừng hoạt động; 192.400 tiệm thực phẩm không có giấy phép bị đóng cửa và 1.400 lò mổ gia súc bị dẹp. Cuộc kiểm tra đang được tiến hành nhằm đối phó với vụ sữa độc hiện nay cũng giống hệt chiến dịch năm ngoái. Quan chức đứng đầu ngành quản lý chất lượng thực phẩm quốc gia, ông Lý Trường Giang, đã từ chức trong lúc nhiều quan chức cấp thấp hơn đã bị bắt hoặc sa thải. Tuy vậy, mối liên hệ thiết yếu giữa cơ quan quản lý điều hành và ngành công nghiệp thực phẩn vẫn hầu như không thay đổi khiến người dân hoài nghi khả năng ngăn chặn, phòng ngừa những vụ thực phẩm độc sẽ xảy ra trong tương lai.

Trả lời phỏng vấn của báo chí hồi cuối tháng Chín, một số nông dân nuôi bò sữa ở tỉnh Hà Bắc cho biết, sữa bị pha trộn là một “bí mật công khai” (open secret) trong giới kinh doanh sữa. “Ngày trước khi chưa có melamine, người bán sữa thường trộn nước gạo hoặc nước bột sắn vào sữa; sau này khi mánh lới đó bị phát hiện do hàm lượng chất đạm thấp, họ chuyển sang dùng melamine”, ông Zhao Huibin, một nông dân nuôi bò sữa ở thành phố Thạch Gia Trang cho biết. Ông Zhao cũng tiết lộ thêm rằng, các nhân viên kiểm tra nguyên liệu của Công ty sữa Tam Lộc – có trụ sở chính tại thành phố này – thường xuyên nhận tiền đút lót của nông dân và đại lý cung cấp sữa để làm ngơ trước hành vi pha trộn melamine vào sữa của họ. “Trong nghề này, tiền hối lộ khiến mọi người đều im lặng”, ông nói.

Nạn tham nhũng hối lộ, tình trạng quan liêu của guồng máy hành chính cùng với sự kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí đã là những yếu tố làm cho thảm họa bùng nổ và lan rộng mà lẽ ra có thể kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tác hại.

Hơn thế nữa, cơ chế điều hành và kiểm soát chất lượng thực phẩm của Trung Quốc có nhiều lỗ hổng. Các quan chức Trung Quốc công nhận rằng, một số công ty sữa hàng đầu –  kể cả tập đoàn sữa Tam Lộc, thủ phạm chính gây ra tai họa – đã được miễn thực hiện thủ tục kiểm nghiệm chất lượng bắt buộc của chính phủ. Hồi tháng Năm, cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm cao nhất của chính phủ đã xếp các công ty sữa vào danh sách các cơ sở sản xuất an toàn nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc; báo cáo của cơ quan này xác nhận 99% các công ty sữa vượt qua được các cuộc kiểm nghiệm an toàn cho mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em. Công ty Tam Lộc còn được đài Truyền hình trung ương Trung Quốc làm phóng sự biểu dương như là một trong số ít những thương hiệu nội địa hùng mạnh nhất, sau khi Công ty này bỏ ra một lượng sữa bột trị giá 1,25 triệu đôla Mỹ để “làm từ thiện” cho trẻ em tại các vùng bị động đất tàn phá của tỉnh Tứ Xuyên cuối tháng 5 vừa qua. Ấy thế mà giờ đây chính phủ nói rằng, có 22 công ty sữa, kể cả những thương hiệu xuất khẩu có tiếng như Mãnh Ngưu (Mengniu) và Y Lợi (Yili) đã sản xuất ra loại sữa bột có nhiễm chất độc. Trong những lần xuất hiện trước báo chí, lãnh đạo Công ty Tam Lộc đều lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng song họ không bao giờ giải thích vì sao thông tin về sản phẩm nhiễm độc đã bị công ty ém nhẹm quá lâu trước khi báo cáo lên chính quyền thành phố. Luật sư Arthur Kroeber, giám đốc điều hành Công ty tư vấn Dragonomics tại Bắc Kinh nghi ngờ trong vụ ém nhẹm này có vai trò của chính quyền địa phương.

Ở Trung Quốc chính quyền vẫn can thiệp vào việc định giá sản phẩm, điều hành doanh nghiệp và công bố thông tin của doanh nghiệp. Tại Công ty Tam Lộc chẳng hạn, bà chủ tịch hội đồng quản trị là một quan chức cao cấp do chính quyền tỉnh Hà Bắc bổ nhiệm. Tập đoàn Fonterra (New Zealand) nắm 43% vốn của Công ty Tam Lộc và có ba đại diện trong hội đồng quản trị, nhưng tại phiên họp ngày 2-8-2008, đề nghị thu hồi sản phẩm do các đại diện Fonterra đưa ra đã bị bác bỏ bởi đa số phiếu đại diện cho chính quyền Trung Quốc.

Luật sư Arthur Kroeber cho rằng: “Chính quyền coi việc kiểm soát ba yếu tố giá cả, quản trị và thông tin của doanh nghiệp là điều cần thiết cho sự cai trị. Vì thế những vụ khủng hoảng trong tương lai là không thể tránh khỏi”, ông nói. Theo luật sư này, một cơ chế điều hành minh bạch, độc lập và có trách nhiệm sẽ làm giảm thiểu sự can thiệp của các quan chức hành chính vào hoạt động kinh doanh và xóa bỏ mối quan hệ chằng chịt về quyền lợi giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Chỉ khi ấy doanh nghiệp mới được tự do hành xử theo lương tâm và theo quy định của pháp luật chung.

Nhà báo Fu Jianfeng còn tiết lộ trên blog của mình rằng, khi sự việc vừa manh nha hồi đầu năm nay, Công ty Tam Lộc đã sử dụng thế lực của mình để ngăn cản báo chí tường thuật về sai trái của họ. “Khi ấy tôi cảm thấy rất có lỗi và bối rối. Việc duy nhất tôi có thể làm là gọi điện thoại cho bạn bè, bảo họ đừng nuôi con bằng sữa bột Tam Lộc nữa”, ông Fu viết.

Nhận xét về vụ sữa độc, giáo sư Hu Xingdou, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, viết trên trang web của mình và được tạp chí Time trích dẫn như sau: “Đây là hệ quả của hệ tư tưởng chỉ quan tâm tới kinh tế. Chưa hề có một cuộc cải cách chính trị vững chắc hoặc một sự cải tiến phương thức thanh tra-kiểm tra; đã thiếu vắng sự theo dõi của báo chí và công chúng; không có sự tách biệt các quyền và cơ chế kiểm tra-cân bằng, mà cũng không có sự điều tra độc lập, tư pháp độc lập; chưa từng có một nỗ lực thiết lập nền tảng đạo đức cho nền kinh tế thị trường. Và do vậy, thảm họa là không thể tránh khỏi”. Ông cho rằng phản ứng hiện nay của chính phủ chỉ mang tính chất đối phó, chữa triệu chứng mà không đụng đến căn bệnh, và ông đề nghị: “Đã đến lúc cần phải thay đổi não trạng, giải quyết cái gốc của vấn đề thay vì loay hoay với những biểu hiện bên ngoài”.

Nhưng một giải pháp căn cơ ở Trung Quốc là điều không khả thi – ít nhất là trong hoàn cảnh hiện nay.

Rồi đây vụ sữa độc có thể trôi vào quên lãng, song cái cơ chế sinh ra nó dường như vẫn còn nguyên vẹn ở Trung Quốc, nên người dân Trung Quốc, và cả người nước ngoài, có lẽ vẫn phải đề cao cảnh giác trước những món hàng “Made in China”. “Cẩn tắc vô ưu” (cẩn thận thì không lo phiền), các nhà Nho Trung Quốc đời xưa đã từng nói như vậy.

Lan Phương (dddn)


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)