Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sữa “dỏm” bị ém thông tin?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thanh tra Sơ Y tế TP.HCM lấy mẫu sữa để kiểm tra

Xung quanh vấn đề sữa “dỏm” được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo từ tháng 10-2008 nhưng mãi đến tháng 2-2009 mới được ngành y tế công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận cho rằng Sở Y tế TP.HCM đã ém thông tin. Chuyện đó có hay không?
Chỉ vì “ông quy chế”
Ngày 4-10-2008, Văn phòng phía Nam – Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (TC&BVNTD) đã có văn bản số 10/VPPN-NTD gửi Sở Y tế TP.HCM. Trước đó, trong tháng 9-2008, Hội TC&BVNTD đã tiến hành khảo sát nhanh 20 mẫu sữa bột đang bày bán trên thị trường TP.HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy 10/20 mẫu không đạt về hàm lượng đạm so với công bố trên nhãn hàng hóa. Theo đó, văn phòng phía Nam – Hội TC&BVNTD đề nghị Sở Y tế TP.HCM cần có biện pháp xử lý cụ thể đối với những đơn vị sản xuất và kinh doanh sữa bột không đạt chất lượng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng cần có những hình thức thông tin tuyên truyền và hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua các sản phẩm sữa bột đạt chất lượng.
Sau đó, ngày 14-10-2008, Sở Y tế TP.HCM đã phúc đáp lại Hội TC&BVNTD bằng văn bản số 5798/SYT-VSATTP. Sở Y tế cho biết sẽ chỉ đạo thanh tra ngay và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trên địa bàn. Sở cũng đã thực hiện các biện pháp thuộc thẩm quyền để cung cấp các thông tin cần thiết đến người tiêu dùng nhằm hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời cảnh báo các sản phẩm không an toàn, không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Và ngày 20-10-2008, Sở Y tế TP.HCM có văn bản 5926/SYT về tăng cường công tác kiểm tra sản phẩm sữa gửi Thanh tra Sở yêu cầu Thanh tra Sở thanh tra xử lý ngay các cơ sở vi phạm những quy định về VSATTP theo danh sách do Hội TC&BVNTD (văn phòng phía Nam) cung cấp.
Sau đó Thanh tra Sở Y tế tiến hành lấy mẫu và khi có kết quả xét nghiệm đã xử lý công khai các vi phạm, buộc thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế toàn bộ sản phẩm sữa không đạt tiêu chuẩn. Ngày 15-12-2008, Sở Y tế TP.HCM có văn bản 426/Ttra gửi Hội TC&BVNTD thông báo công khai kết quả xử lý nói trên. Đồng thời cũng báo cáo UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tiếp tục triển khai các hoạt động kiểm soát sữa kém chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “TP.HCM đã kiểm soát được các sản phẩm sữa kém chất lượng theo cảnh báo của Hội TC&BVNTD”.
Điểm mặt các nhãn sữa “dỏm”
Từ 20 đến 28-10-2008, Thanh tra Sở Y tế đã thanh tra và lấy 10 mẫu sản phẩm sữa bột của 4 cơ sở theo cảnh báo của Hội TC&BVNTD. Đó là cơ sở Như Trang (73/2/29 Ni Sư Huỳnh Liên, Q.Tân Bình) với sản phẩm sữa bột Maylac, khối lượng tịnh 400g/hộp. Kết quả xét nghiệm hàm lượng đạm (g/100g) là 14,96%, trong khi tiêu chuẩn công bố là 34%. Cơ sở này cũng không có giấy chứng nhận VSATTP, tình trạng vệ sinh không đạt. Theo đó đã phạt hành chính với số tiền là 17.850.000đ và buộc tái chế hoặc tiêu hủy đối với sản phẩm trên.
Cơ sở thứ 2 là Công ty TNHH CBTP TM Hoàng Khang (ấp 2, xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh) với 2 sản phẩm là sữa bột Bobolac (900g/hộp) có hàm lượng đạm 23,11%KL (công bố 22%KL); sữa bột Fitalac (Hi-calcium) (300g/hộp) có hàm lượng đạm 29,75%KL (công bố 30%KL). Kiểm tra hồ sơ pháp lý đầy đủ, tình trạng vệ sinh đạt. Thanh tra Sở phạt 3 triệu đồng với hành vi “kinh doanh hàng hóa trên nhãn có nội dung bắt buộc ghi không đúng với nội dung công bố chất lượng”, đình chỉ lưu thông và khắc phục đối với hàng hóa có nhãn vi phạm.
Kiểm tra tại Công ty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát (131 đường số 5, Bình Trị Đông, Bình Tân) có hồ sơ pháp lý đầy đủ, tình trạng vệ sinh đạt. Kết quả xét nghiệm mẫu sữa bột dinh dưỡng Milk Power) có hàm lượng đạm 7,37%KL (công bố 10%KL); mẫu sữa bổ sung Canxi và chất sắt (Holland Gold) – hàm lượng đạm 6,69%KL (công bố 20%KL); mẫu sữa bột dinh dưỡng (New Zealand) và mẫu sữa bột giàu dinh dưỡng Hà Lan đều có hàm lượng đạm 6,69%KL (công bố 10%KL). Thanh tra Sở đã phạt hành chính 4 triệu đồng và yêu cầu tái chế hoặc buộc tiêu hủy những sản phẩm trên. Ngay sau đó công ty này đã thực hiện tái chế 294 kg sữa nói trên.
“Việc xử lý của Sở Y tế đã tuân thủ đúng điều 30, Luật Chất lượng hàng hóa. Như vậy Sở Y tế TP.HCM không ém nhẹm thông tin mà đã giải quyết vấn đề này một cách chủ động theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã khẳng định như vậy trong báo cáo nhanh số 79 ngày 10-2-2009 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Công ty CP DD Đài Hoa (364-366 Nguyễn Văn Luông, Q.6) có hồ sơ pháp lý đầy đủ, tình trạng vệ sinh đạt. Mẫu sữa bột Mikamax – hàm lượng đạm 7,48%KL (công bố 8 -13%KL); sữa bột Sepalac – hàm lượng đạm 13,47%KL (công bố 15 -20%); sữa bột Calyx Canxi – hàm lượng đạm 18,89%KL (công bố 25-30%KL). Theo đó, công ty bị phạt 4 triệu đồng và buộc tái chế 1.070 kg sữa bột có hàm lượng đạm thấp so với công bố. Ngày 20-11-2008, Thanh tra Sở Y tế đã lấy mẫu sau tái chế của công ty để kiểm tra, kết quả tất cả đều phù hợp tiêu chuẩn công bố.
Bài & ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)