Đến ngày 21/9, đã có 307 hộp sữa Pure (của hãng YiLi của Trung Quốc) nhiễm melamine – chất gây sạn thận, được người tiêu dùng Việt Nam mua về.
Phó chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM Phạm Kim Bình cho biết, kết quả xét nghiệm các loại sữa này phải mất 3 ngày mới có. Trong quá trình thanh tra, đơn vị nhập hàng cũng đưa ra đầy đủ thủ tục kinh doanh và giấy phép nhập khẩu lô sữa Trung Quốc này. Đây cũng là lô hàng đầu tiên của nhãn hiệu sữa YiLi đến Việt Nam.
Bà Phan Thị Túy Vân, Giám đốc công ty Kim Ấn cho biết: “Ngày 15/8 công ty Kim Ấn đã gửi mẫu đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm, số 2 Nguyễn Văn Thủ, Q.1 để kiểm tra chất melamine, sau khi có thông tin sữa Tam Lộc, Trung Quốc nhiễm melamine gây tử vong cho trẻ em nước này. Theo giấy hẹn, đến ngày 23/9 sẽ có kết quả kiểm nghiệm chính thức.
Tuy nhiên, chiều ngày 22/9, bà Phan Thị Túy Vân đã xác nhận, kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong sữa tươi nguyên chất tiệt trùng Pure của hãng YiLi có sự hiện diện của chất melamine. Dù vậy, bà Vân không tiết lộ hàm lượng đó là bao nhiêu, mà chỉ khẳng định là rất thấp so với hàm lượng melamine tìm thấy trong sữa Tam Lộc (Sanlu).
Hiện nay, theo tiêu chuẩn áp dụng cho việc kiểm tra sữa tươi tiệt trùng tại Việt Nam (TCVN 7028:2002) thì không có quy định kiểm tra chất melamine.
Bà Túy Vân cho biết thêm, “Tập đoàn công nghiệp YiLi đã yêu cầu công ty Kim Ấn thu hồi toàn bộ số hàng đã nhập và sẽ bồi thường những thiệt hại cho công ty Kim Ấn nếu có”.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã kí công điện khẩn số 6527 khẳng định sẽ đình chỉ lưu hành tất cả các sản phẩm sữa và nguyên liệu sữa không có nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, bao bì…
Nội dung công điện cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra ngay nguồn cung ứng các sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa trên thị trường, đặc biệt chú trọng sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các đơn vị kỹ thuật của TƯ và địa phương trên địa bàn để lấy mẫu định tính melamine (là nguyên liệu hóa học không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng) trong sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa sản xuất trong nước, nhập khẩu… và báo cáo ngay về Bộ Y tế sau khi có kết quả kiểm nghiệm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả sơ bộ trước ngày 25/9.
Thông tin mới nhất từ Chính phủ Trung Quốc cho biết, số trẻ em nước này bị ốm do uống phải các sản phẩm sữa nhiễm melamine đã lên đến con số 53.000 em. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ trừng phạt thích đáng những kẻ gây nên vụ bê bối sữa hiện nay.
Danh sách 22 công ty sữa của Trung Quốc kiểm tra có chứa chất gây sạn thận
1. Tập đoàn Sanlu Thạch Gia Trang 2.Cty bơ sữa Xiongmao Thượng Hải 3.Cty kinh doanh lương thực Shengyuan Thanh Đảo 4.Tập đoàn bơ sữa Shanxi gucheng Sơn Tây 5.Cty bơ sữa Jiang xi Guang ming ying xiong- Giang Tây 6.Cty bơ sữa Bao Ji hui min 7.Cty sữa bò Meng niu Nội Mông 8.Cty liên doanh Trung – Au duo jia duo Thien Tân 9.Cty Ýahili Quảng Đông 10. Cty bơ sữa Hunan Pei yi Hồ Nam 11. Cty bơ sữa Qining Hắc Long Giang 12. Cty bơ sữa Yashili Sơn Tây 13. Cty bơ sữa Jin bi min Tham Quyến 14. Cty sản phẩm dinh dưỡng trẻ sơ sinh Shi yi Quảng Châu 15. Xưởng sản xuất bơ sữa Jin dinh Quảng Châu 16. Tập đoàn thực nghiệp YiLi Nội Mông 17. Cty sản phẩm dinh dưỡng Aomeiduo Yên Thái 18. Cty khoa học công nghệ dinh dưỡng Suokang Thanh Đảo 19. Cty bơ sữa Baiyue Tây An 20. Cty bơ sữa Leilei Yên Thái 21. Cty bơ sữa Baoanli Thượng Hải 22. Cty bơ sữa Chenguan Phú Đĩnh |
Theo dantri.com.vn
Bình luận (0)