Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sửa Luật Giáo dục để quản học phí các trường dân lập

Tạp Chí Giáo Dục

Theo GS, Tiến sĩ Khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về lâu dài cần phải sửa  Luật Giáo dục để quản lý học phí của các trường dân lập nhằm chống tình trạng lạm thu.
GS, Tiến sĩ Khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh : Phạm Tuyên
Theo GS Đào Trọng Thi, Đề án Đổi mới tài chính trong GD&ĐT là đề án liên quan đến vấn đề nhạy cảm đối với xã hội là việc tăng học phí. Vấn đề đặt ra là học phí có thể tăng nhưng tăng ở mức nào, ở mức nhân dân chấp nhận được hay làm cho xã hội bị sốc là khác hẳn nhau. Tôi cho rằng, nếu có tăng cũng cần phải có lộ trình, thực hiện dần từng năm để việc tăng học phí không trở thành cú sốc với xã hội.
Nhưng thực tế, nhiều trường thu học phí cao nhưng đầu tư phục vụ giảng dạy lại rất thấp, nhất là các trường ngoài công lập. Trong khi đề án chưa có cơ chế giám sát hay quy định về việc này?
Thực ra hiện đã có quy định trong việc các trường phải sử dụng bao nhiêu phần trăm nguồn thu từ học phí để tái đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Tất nhiên, quy định này sẽ phải hoàn thiện hơn nữa. Trong đề án cũng đã khẳng định, sẽ có một nghị định hướng dẫn sử dụng nguồn thu từ học phí đi kèm nếu đề án được thông qua. Do vậy, tôi cho rằng vấn đề này  có thể yên tâm được.
Nhưng đối với các trường ngoài công lập lại chưa có một khung cụ thể về mức thu học phí, dễ dẫn tới tình trạng lạm thu?
 
 "Về lâu dài, tôi cho là cần phải sửa Luật Giáo dục để đưa chuyện quản lý học phí của các trường dân lập vào". GS, Tiến sĩ Khoa học Đào Trọng Thi
Theo quan điểm của đề án này, học phí của trường ngoài công lập thì giao cho họ tự chủ, trên tinh thần đảm bảo chi phí đào tạo mà họ cần. Nhưng đúng là nhiều người băn khoăn, khi đưa vào áp dụng khung học phí với trường công lập, hệ thống trường dân lập sẽ lợi dụng để đồng loạt tăng học phí.
Có ý kiến cho rằng, với trường dân lập ai muốn thì học chứ không ai ép buộc nhưng vấn đề là không học dân lập, nhiều học sinh sẽ không có chỗ để học vì hệ thống giáo dục công lập còn đang thiếu rất nhiều. Do đó, người dân đôi khi biết là mình phải trả một mức học phí cao hơn bình thường nhưng vẫn phải chấp nhận.
Tôi cho rằng, dù cho phép họ tự chủ về học phí vẫn có cách quy định mức trần của trường dân lập. Đó là dựa vào khung học phí tương ứng của các trường công lập, cộng với phần kinh phí nhà nước cấp cho các trường công lập mà các trường dân lập không được hưởng để chia ra mức trung bình mà trường dân lập không được vượt quá.
Như vậy, đảm bảo quyền lợi cho cả nhà trường và học sinh. Nhưng về lâu dài, tôi cho là cần phải sửa Luật Giáo dục để đưa chuyện quản lý học phí của các trường dân lập vào.
Đề án cũng xây dựng việc tăng học phí với hệ THPT và lấy thu nhập hộ gia đình làm căn cứ quy định mức đóng học phí. Nhưng làm thế nào để thực hiện được việc này?
Tôi phải nói thật, chúng ta không có cách kiểm soát chính xác, chặt chẽ mức thu nhập đó. Bây giờ chỉ có thể dựa vào lương, nhưng nó cũng chỉ áp dụng được với cán bộ, nhưng nông dân làm gì có lương. Mà lương cũng đâu phải là toàn bộ thu nhập. Hơn nữa, nếu bây giờ phải tính toán thu nhập bình quân cho từng hộ gia đình, đó sẽ là một công việc rất phức tạp và rất tốn kém. Nếu sự tốn kém đó mà ta để đầu tư cho việc khác có khi lại tốt hơn nhiều.
Như vậy có nghĩa là đề án tăng học phí đối với hệ THPT chắc chắn sẽ "đổ"?
Nếu có sự chuẩn bị thật tốt và cải tiến hơn để làm sao có phương án đơn giản hơn thì vẫn có thể thực hiện được. Còn phương án dựa vào thu nhập bình quân của từng hộ dân thì tôi cho là không làm được.
Tôi cho là phải thay đổi cách tính toán, làm sao nó thực tế hơn, mang tính số đông hơn thì khả năng tính toán mới phù hợp được. Và trong báo cáo thẩm tra của UB, chúng tôi đã đề nghị việc này.
Xin cảm ơn ông
Phạm Tuyên (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)