Từ đầu năm 2018, sữa và các sản phẩm từ sữa được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Cuộc cạnh tranh về giá, chất lượng, dịch vụ hậu mãi giữa các hãng sữa sẽ khiến người tiêu dùng được hưởng lợi.
Sữa ngoại trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm giá. ĐÀO NGỌC THẠCH
Chị T.T.Nhi (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM), có con gái 2 tuổi, cho biết khi bé còn nhỏ cho uống sữa nhập khẩu từ Đức với giá khoảng 510.000 đồng/hộp 900 gr. Bé càng lớn, nhiều chi phí tăng thêm, do đó thời gian gần đây phải chuyển sang dùng sữa nội với giá chỉ có 270.000 đồng/hộp 900 gr. Tuy nhiên, chị vẫn mang tâm lý lo lắng sữa nội không tốt bằng sữa ngoại, nên trước thông tin việc thuế nhập khẩu sữa về VN còn 0% khiến chị hy vọng con mình sẽ được uống sữa ngoại giá “mềm” hơn. Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết lượng sữa ngoại về nhiều nhưng đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào thông báo điều chỉnh giá bán theo mức thuế mới.
Trên thực tế, dù thuế nhập khẩu giảm về 0% (từ 5%) không làm thay đổi quá nhiều trong cơ cấu giá của sản phẩm bởi các hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN hay giữa ASEAN với các nước Úc, New Zealand nên thuế nhập khẩu đã giảm mạnh từ 2017. Còn với các nước EU, mặt hàng sữa sẽ hoàn tất trong vài năm tới khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU hoàn tất.
Theo Tổng cục Hải quan, VN nhập khẩu sữa nhiều nhất từ New Zealand tới 28%, kế đó là Singapore 16%, tiếp theo là Đức, Mỹ, Thái Lan từ 7 – 8%. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11.2017, so cùng kỳ 2016, kim ngạch nhập khẩu sữa tăng 2,4%, tương đương giá trị gần 788 triệu USD. Tuy nhiên có một số nước châu Âu đã tăng lượng hàng xuất khẩu vào VN, như Bỉ đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2017.
Ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood, nói: Ngay từ trước năm 2018, các hãng sữa ngoại đã tận dụng cơ hội sản xuất tại các nước trong khu vực ASEAN nhằm hưởng thuế suất ưu đãi. Do đó, việc thuế nhập khẩu sữa về 0% sẽ khiến các nhãn sữa ngoại có lợi vì giá thành sản xuất giảm thêm. Ngược lại, các doanh nghiệp nội đang có sự ủng hộ từ người tiêu dùng trong nước. Riêng NutiFood, 2 sản phẩm: sữa đặc trị trẻ em và sữa bột dinh dưỡng pha sẵn 2 năm liền dẫn đầu về thị phần mà trước đó, các công ty đa quốc gia thường thống lĩnh tuyệt đối ở các thị trường Đông Nam Á.
Chí Nhân/TNO
Bình luận (0)