Đối với PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, niềm vui trong ngày 17-12-2016 không chỉ là giải thưởng Kova danh giá mà chính là đã sản xuất thành công ra loại sữa đặc biệt để từ nay trở đi có cơ hội giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo khi điều trị và phục hồi sức khỏe.
BS Tạ Thị Tuyết Mai (thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng Kova (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam một nữ BS có tấm lòng nhân ái đã âm thầm dày công bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu và cho ra một loại sữa giúp người bị bệnh nặng không ăn uống được, sớm hồi phục sức khỏe.
Trăn trở với những ca bệnh nghèo khó
Vào năm 2007, trong một lần cùng với đồng nghiệp hội chẩn cho cụ bà 84 tuổi viêm phổi nặng liệt nửa người bị suy kiệt vì không thể ăn uống được. Lúc đó, các BS quyết định truyền dịch albumin để cứu chữa tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Thế nhưng, người nhà lắc đầu vì lấy đâu tiền để truyền mỗi ngày 3 chai albumin (100ml/chai), với giá khoảng 5-7 triệu đồng.
Mỗi lần nghĩ đến nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng không thể ăn uống bằng đường miệng, phải nuôi qua ống thông dạ dày rất cần nguồn sữa chất lượng giá rẻ chị càng thêm xót xa. Vì điều trị lâu dài nên một số bệnh nhân chuyển sang mua các loại sữa cao năng lượng phổ biến trên thị trường nhưng với các loại sữa này, người bệnh cũng phải chi trả đến 200.000-250.000 đồng/ngày trong lúc đó các sản phẩm này không phù hợp cho việc nuôi dưỡng bệnh nhân nặng do hàm lượng đạm cũng như một số vi chất như sinh tố. Ngoài ra, vì lượng đạm trong các loại sữa này không đủ để cung cấp cho bệnh nhân nặng, đặc biệt là khi nuôi ăn qua ống thông. Nếu muốn cung cấp đủ đạm cho bệnh nhân, BS phải nuôi bệnh nhân với thể tích lớn từ 2-2,5 lít/ngày, rất dễ dẫn đến nguy cơ thừa dịch. Còn nếu cho bệnh nhân sử dụng 1,5 lít, phải truyền thêm đạm qua đường tĩnh mạch, vừa rắc rối vừa tốn kém. Vì không đủ tiền để trang trải viện phí trong thời gian dài, người nhà bệnh nhân phải tự nấu cháo rồi xay nhuyễn để thay thế sữa. Với những bệnh nhân nặng việc tự xay nấu thức ăn rất nguy hiểm vì có thể thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn không đủ dưỡng chất. Hoàn cảnh đó cứ ám ảnh mãi trong người chị nên nữ BS lại càng trăn trở hơn để tìm ra một phương cách cứu chữa cho bệnh nhân bằng một loại thức ăn đặc biệt nhưng phải rẻ tiền.
Bao nhiêu suy tư về bệnh nhân, khiến chị ấp ủ phải sản xuất cho được sữa điều trị cho bệnh nhân với giá thiệt rẻ nhưng vẫn đảm bảo có giá trị sinh học cao và hiệu quả điều trị. Đồng thời, phải tạo ra một loại sữa mà có thể giúp người bệnh kém dung nạp với chất lactose) vẫn dùng được mà không bị tiêu chảy. Bắt đầu mày mò thử nghiệm, chị mua những bịch sữa bột nguyên kem ở các nhà máy sản xuất uy tín rồi pha chế với sữa đậu nành, vi khuẩn có lợi đường ruột… rồi thử cho bà cụ 84 tuổi sử dụng để giải quyết tình huống khẩn cấp. Điều không ngờ là vài tuần sau, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, xét nghiệm máu cho thấy không còn tình trạng suy dinh dưỡng và sức đề kháng tăng lên. Thành công bước đầu đã giúp chị có 1 tỷ đồng để nghiên cứu ra loại sữa cho bệnh nhân nghèo từ kinh phí của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM vào năm 2013.
Sản xuất đại trà giúp người nghèo
BS Tạ Thị Tuyết Mai cho biết: “Ngay khi sản phẩm sữa của tôi đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, một số công ty nước ngoài đã ngỏ ý muốn hợp tác sản xuất; thế nhưng tôi vẫn mong muốn được hợp tác với các đối tác trong nước để tạo ra sản phẩm cho người Việt. Trước mắt, tôi dành số tiền thưởng từ giải Kova để thúc đẩy quá trình tìm hiểu quy trình sản xuất dạng công nghiệp, đưa các sản phẩm đến người bệnh trên cả nước”. |
Sau một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm trên chuột và người đến năm 2016, BS Mai đã sản xuất ra được một loại sữa dạng nước có độ đạm cao cho người mắc bệnh nặng. Loại sữa này có ưu điểm thay thế hoàn toàn các loại sữa nhập khẩu nhưng giá rẻ. Ngoài ra, loại sữa “made in Việt Nam” còn có chất Omega 3, lợi khuẩn đường ruột nên tính kháng viêm cao, góp phần cải thiện tình trạng viêm ở bệnh nhân nặng, giảm các loại mỡ máu xấu, cải thiện nguy cơ bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn, đề kháng insulin trong bệnh tiểu đường… BS Tạ Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Lúc đầu trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng âu lo các loại vi khuẩn có lợi trong sữa có thể di chuyển qua thành mạch vào mạch máu gây nhiễm khuẩn huyết cho bệnh nhân. Nhưng kết quả nghiên cứu đã khẳng định vi khuẩn sẽ không xâm nhập vào máu bệnh nhân. Cuối cùng, tôi đã cho ra loại sữa mà người bệnh không dung nạp với chất lactose vẫn có thể uống được mà không gây tiêu chảy”. Có thể nói đây là công trình nghiên cứu thành công ngoài mong đợi.
Theo khảo sát của BV Nhân dân Gia Định, hiện tại có tỷ lệ trên 10% bệnh nhân cần nuôi qua ống thông với dạ dày vì không thể ăn bằng miệng. Do đó, nhu cầu người bệnh cần có sữa cao độ đạm với giá rẻ rất cần thiết. Dù nhu cầu của người bệnh trên cả nước rất lớn, thế nhưng, hiện nay BV Nhân dân Gia Định chỉ pha chế theo kiểu thủ công, đáp ứng nhu cầu trong BV mà chưa thể sản xuất đại trà thành sữa hộp giấy, đóng chai dạng công nghiệp.
BS Tạ Thị Tuyết Mai cho biết: “Ngay khi sản phẩm sữa của tôi đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, một số công ty nước ngoài đã ngỏ ý muốn hợp tác sản xuất; thế nhưng tôi vẫn mong muốn được hợp tác với các đối tác trong nước để tạo ra sản phẩm cho người Việt. Trước mắt, tôi dành số tiền thưởng từ giải Kova để thúc đẩy quá trình tìm hiểu quy trình sản xuất dạng công nghiệp, đưa các sản phẩm đến người bệnh trên cả nước”.
Quang Phan
Bình luận (0)