Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015-2016, hai em Điểu Linh và Voong Thị Hồng Hạnh học sinh lớp 11 trường phổ thông Dân tộc nội trú Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đã được trao giải khuyến khích với sản phẩm sữa tắm sả chanh có thể trị bệnh ngoài da.
Thầy trò tâm đắc
Linh và Hạnh đưa tôi ra xem khoảnh vườn rộng chừng 40 m2 sau nhà ăn, trồng toàn cây sả chanh, loài cây được các em chọn để nghiên cứu sản xuất sữa tắm, nước rửa chén, nước lau sàn, thuốc đặc trị bệnh ngoài da… “Sả chanh hiện nay ở Tây Nguyên rất hiếm. Em được biết, loại cây này giờ chỉ có ở Đắk Nông. Chúng em muốn nhân rộng diện tích, để có đủ nguyên liệu chưng cất tinh dầu, làm ra nhiều sản phẩm 100% tự nhiên, giá rẻ” – Linh chia sẻ.
Còn nhớ lúc mới nhập học, cả lớp đều bực bội vì trường rất nhiều muỗi. “Muỗi tấn công chúng em mỗi đêm, và cả khi ăn, lúc ngồi học. Từ đó chúng em nảy ra ý tưởng cần chế ra một loại thuốc có chức năng đuổi muỗi. Không có kinh nghiệm làm gì cũng khó, nhất ở khu vực heo hút này, mọi thứ đều thiếu thốn nên càng khó khăn hơn” – Hạnh kể. May sao ý tưởng này của các em được thầy Hiệu phó Võ Như Sơn tâm đắc, hướng dẫn tận tình. Với thâm niên công tác trong ngành giáo dục trên 30 năm, chuyên trách môn Hóa học, thầy luôn ủng hộ những học trò chăm chỉ học hành, lại có ý tưởng táo bạo, nên cả 3 thầy trò cùng lao vào công cuộc nghiên cứu.
“Mất 4 tháng trời kiên trì thí nghiệm, 3 thầy trò mới tìm ra công thức bào chế sản phẩm. Ở thị trấn Kiến Đức, cây sả chanh chỉ mọc ở bon Đắk Blao. Sả chanh khác với sả thông thường, không ăn được, mùi thơm đặc trưng quyện lẫn với mùi chanh. Bản thân cây sả chanh có chức năng đuổi muỗi, ngăn trị các căn bệnh ngoài da như nấm, ghẻ lở… Tôi chỉ là người hướng dẫn, còn các em chủ động làm hết. Linh và Hạnh là hai học trò chăm ngoan, lại rất nhanh trí” – thầy Sơn vui vẻ nói.
Đã được kiểm nghiệm chất lượng
Phòng thí nghiệm của thầy trò trường phổ thông Dân tộc nội trú Đắk R’Lấp chỉ được đầu tư khá đơn sơ với ống nghiệm, thiết bị chưng cất lò hơi tận dụng. Năm 2015, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp tặng 10 triệu đồng cho “nhóm nghiên cứu Hạnh và Linh” giúp 2 em mua nguyên vật liệu hóa chất để nghiên cứu. Phòng thí nghiệm cũng là một đoạn hành lang của nhà thi đấu đa chức năng rộng chưa đến 10 m2.
Ngay sau khi “đứa con tinh thần” ra đời, thầy Sơn mang mẫu kiểm nghiệm đến Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng). Sau khi hoàn thành, sản phẩm được đóng vào những chai nước lọc đã sử dụng và “nhờ” nhà máy nước Kiến Đức đóng bao bì. “Sữa tắm sả chanh có màu xanh rất bắt mắt, mùi hương dễ chịu… phù hợp với mọi đối tượng. Tụi em chưa sản xuất đại trà, vì chưa đăng ký giấy phép kinh doanh. Do vậy, sản phẩm hiện tại chỉ phục vụ cho các bạn trong trường và người thân trong gia đình” – Linh nói.
Thị Ven – bạn gái cùng lớp với Linh cho hay, sản phẩm sữa tắm sả chanh đã hạn chế được tình trạng học sinh bị muỗi “tra tấn” mỗi đêm. “Sản phẩm này không gây dị ứng cho da, mùi thơm lâu, dễ chịu. Chúng em đang được sử dụng miễn phí, thấy có rất nhiều công dụng tốt!” – Ven chia sẻ.
Cùng với niềm vui của em Ven, anh Điểu Chiến (23 tuổi – anh trai Linh) hiện đang ở huyện Krông Nô cho biết, từ khi em trai bào chế được sản phẩm sữa tắm từ cây sả chanh, gia đình đã sử dụng sản phẩm này cho sinh hoạt hằng ngày. Anh Chiến nói: “Thấy vợ đưa về dùng tấm tắc khen ngợi mùi thơm, cũng như công dụng sạch da, hết mỡ nhờn. Tôi cũng dùng thử, thấy tôi đi đến đâu là muỗi bay mất hết!”.
Theo thầy Sơn, cây sả chanh hiện ở khu vực Tây Nguyên rất hiếm, nó khác với giống sả thông thường, chỉ dùng làm thuốc, không thể ăn. Năm 1987, đội 1 Thanh niên xung phong ở TPHCM đã đến khu vực Đắk R’Lấp để khai phá, xây dựng kinh tế mới. Nhiệm vụ chính của họ trồng sả chanh để bán cho công ty chuyên sản xuất xà phòng, dầu gội đầu. Đến khi làm ăn bết bát, họ phải trở về Sài Gòn làm công việc khác.
Khu đất trồng sả chanh dần bị chìm vào quên lãng. Thời gian sau, chính quyền có chủ trương trồng cây thông thay thế, hàng chục hécta sả chanh bị người dân châm lửa đốt, nên số lượng còn lại rất ít. Cách đây 4 năm về trước, ông Điểu N’Se (49 tuổi – bố của Linh) làm mướn, trông coi rẫy cho gia đình thầy Sơn. Nghe bố Linh kể chuyện, cây sả chanh có ở bon Đắk B’Lao hiện vẫn còn, thầy Sơn đã thuê ông Điểu N’Se vào rừng mang cho bằng được loại giống sả quý này về.
Điểu Linh và Hồng Hạnh khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu các công thức để bào chế tinh dầu từ cây sả chanh làm nước rửa chén, nước lau sàn, các loại thuốc có chức năng ngăn ngừa các căn bệnh ngoài da. “Nếu được đầu tư về kinh phí, công nghệ cùng với giúp đỡ của thầy Sơn thì sản phẩm của chúng em chưa dừng lại ở sữa tắm. Khi được đầu tư xây dựng nhà máy, sản phẩm này sẽ phục vụ cho mọi đối tượng” – Linh tự tin nói.
Theo TPO
Bình luận (0)