Các bé Trường MN 27, Q.Bình Thạnh trong giờ uống sữa. Ảnh chụp sáng 4-3
|
Từ đầu tháng 1-2014, 4 doanh nghiệp sữa có thị phần lớn trên thị trường Việt Nam gồm Mead Johnson, Vinamilk, Nestle, Friesland Campina đồng loạt tăng giá các sản phẩm sữa từ 7-10%. Sau khi các doanh nghiệp này “khởi xướng”, những công ty khác cũng “ăn theo” tăng giá không thương tiếc như Nutifood, TH true MILK…
Giá điện – nước tăng, bây giờ đến giá sữa cũng tăng, điều này đồng nghĩa với việc, các trường học đã khó càng khó hơn khi không có khoản thu nào bù đắp cho các khoản phụ trội này!
“Hội chứng” tăng giá sữa?
Sau khi đồng loạt tăng giá, bị người tiêu dùng phản ứng, các doanh nghiệp “biện hộ” không thể không tăng giá bán sản phẩm do giá nguyên liệu tăng mạnh. Giá sữa tăng, bắt nguồn từ một số hãng như Abbott tăng 5%, Mead Johnson tăng giá một loạt sản phẩm từ 5-7%. Một số sản phẩm của Nutifood cũng tăng thêm 7-10%, tiếp đó là Friesland Campina Vietnam. Giọt nước tràn ly, khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamik) bắt đầu tăng giá từ trước Tết với rất nhiều sản phẩm, gồm: Sữa nước, sữa bột, sữa chua đều đồng loạt tăng giá 5-7%. Các sản phẩm bán chạy nhất như Dielac Alpha bước 1 loại 400gr tăng từ 210.000 đồng lên mức 235.000-238.000 đồng/hộp, Dielac Alpha 123 tăng thêm 20.000 đồng, vượt mức 200.000 đồng/hộp 400gr. Ngoài ra sữa chua, sữa nước hộp các loại cũng tăng thêm 200-1.000 đồng/sản phẩm tùy loại…
Đại diện Vinamilk cho hay giá sữa nguyên liệu thế giới đã tăng mạnh thời gian gần đây nên việc tăng giá sữa là “bất khả kháng”. Cụ thể, về nguyên liệu chính bột gầy đã tăng từ 3.700 USD lên hơn 4.000 USD/tấn. Nếu lấy căn cứ vào tháng 2-2014, giá nguyên liệu sữa bột gầy đã lên hơn 5.000 USD/tấn. Giá bột sữa, dầu bơ đã tăng 30-57% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, cuối năm 2013 công ty cũng đã tăng giá thu mua cho nông dân khoảng 22%. Đại diện Công ty Nutifood cũng khẳng định: Về nguyên tắc, nếu giá nguyên liệu tăng 10% chúng tôi được phép điều chỉnh giá bán. Nhưng đằng này, giá nguyên liệu đã tăng hơn 30-40% thì không còn cách nào khác là tăng giá”. Chị Nguyễn Thanh Thủy (khu chung cư An Phú, Q.2, TP.HCM) than thở: “Sợ ra Tết giá cả các mặt hàng thực phẩm, sữa… tăng nên trong Tết, tôi đã mua dự trữ sữa hộp cho con. Đến hôm rồi, mua một thùng sữa tươi Vinamilk ADM+ khi tính tiền, giá là 318.000 đồng/thùng, tăng gần 30.000 đồng”. Tương tự, chị Trần Ánh Nguyệt (459/14/21 XVNT, P.26, Q.Bình Thạnh) bức xúc: “Hai vợ chồng đều làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, trước đây cũng mua sữa ngoại cho con nhưng sau khi dùng thử sản phẩm của Vinamilk, chúng tôi an tâm và quyết định mua sản phẩm này cho con. Thật bất ngờ, một sản phẩm nói là của Việt Nam – dành cho người Việt Nam mà nay tăng giá, mai tăng giá. Vậy thì đâu phải Vinamilk vì người tiêu dùng Việt Nam”.
Mạnh ai nấy tăng, chỉ người tiêu dùng là thiệt hại, lý giải cho việc đồng ý để các doanh nghiệp này tăng giá, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM, cho biết: “Trước Tết Vinamilk đã nộp đơn xin phép tăng giá 22 mặt hàng sữa (dành cho trẻ dưới 6 tuổi) nằm trong danh mục phải kê khai và đăng ký giá, với mức đề nghị từ 10-14%. Sau khi sở kiểm tra, kiểm soát các loại giấy tờ nhập khẩu, thể hiện việc tăng giá, xem xét cơ cấu giá sữa, thấy giá nguyên liệu thời gian gần đây tăng cao bất thường nên chấp thuận cho tăng, bình quân 7% các mặt hàng”.
Trường không thể gánh, HS chịu thiệt
Sữa tăng giá hiện nay là gánh nặng cho các trường. Trong ảnh: Bữa ăn trưa không thể thiếu sữa của học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM. |
Tại Trường TH Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với tổng số 2.000 HS ăn bán trú, bình quân mỗi tuần HS được uống một hộp sữa, như vậy một tháng trường phải mua tới 8.000 hộp sữa nước. “Giá sữa tăng, trường phải “cân đong, đo đếm tiền chợ” để đảm bảo HS vẫn được uống sữa và đảm bảo chất lượng bữa ăn. Nhưng khoản phụ trội thêm do giá sữa tăng trường không có khoản thu nào để bù đắp”, cô Trương Thị Huỳnh Liên – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết. Còn cô Trần Thị Mai Hồng – Phó hiệu trưởng Trường MN 27 (Q.Bình Thạnh) cũng tỏ ra lo lắng: “Hiện các bé đang học tại trường được uống hai loại sữa: Sữa Tulip (gói 800gr) 214.700đồng/gói và sữa Nuvita (lon 900gr) 186.200 đồng/lon. Uống cả tuần vào 5 buổi sáng: Sáng trẻ ăn 1 tô mặn như: Bánh canh, phở, súp… ăn xong uống 1 ly sữa từ 160-180ml; buổi chiều trẻ uống 1 lần/ tuần. Bình quân một tháng trường sử dụng khoảng 30 thùng. Giá sữa đang tăng chóng mặt, nhà trường thực sự cũng lo lắng vì không biết hai công ty đang cung cấp hai loại sữa trên có tăng giá trong thời gian tới hay không? Nếu tăng, trường không biết lấy khoản kinh phí nào bù đắp”. Đồng quan điểm, cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) trăn trở: “Trước đây, trường sử dụng sản phẩm sữa hươu cao cổ của Công ty Dinh dưỡng 3A (nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott). Nhưng giá sữa mỗi năm một tăng nên trường chuyển qua sử dụng hai nhãn hiệu sữa: TH true MILK và Vinamilk. Nếu làm phép tính đơn giản, trường có gần 1.500 HS, trong đó có 980 HS bán trú, năm 2013 giá sữa của TH true MILK là 7.000 đồng/hộp x 1 hộp/tuần x 4 tuần/tháng = 27.440.000 đồng. Khoản dư cuối học kì, trường cải thiện cho HS được ăn gà rán KFC hoặc bánh Pizza. Đầu năm 2014, TH true MILK báo giá tăng 7.750 đồng/ hộp, hàng tháng trường phải bỏ ra gần 31 triệu tiền sữa, khoản phụ trội là 3 triệu đồng. Chúng tôi đang rất đau đầu, lấy đâu ra kinh phí để giữ được khoản cải thiện trên cho HS, còn nếu teo tóp sữa để cắt khoản dư đó thì phụ huynh, HS sẽ không hài lòng!”. Một số hiệu trưởng của các trường MN tại Q.3 và Q.11 cũng cho biết: Đầu năm học, các công ty sữa khi ký kết hợp đồng cung cấp sữa cho trường đều có điều khoản cam kết: Giữ nguyên giá sữa trong cả năm học 2013-2014, tuy nhiên, mới đây giám đốc kinh doanh của một số hãng sữa xuống trường trao đổi và cho biết có thể sẽ tăng giá sữa, chúng tôi rất hoang mang.
Một bảo mẫu tại một trường MN trên địa bàn Q.1, TP.HCM nghi ngờ: “Tôi thấy giá sữa cung cấp cho trường chưa tăng nhưng cầm hộp sữa thấy dung lượng không được nặng như trước?”. Có thể, một số doanh nghiệp đang cung cấp sữa cho các trường học trên địa bàn thành phố, chưa “vội” tăng giá nhưng việc “đàm phán” hoặc bớt thể tích trong một hộp sữa cũng có thể xảy ra. Và nếu vậy, ai sẽ là người chịu thiệt nhất ngoài phụ huynh, HS!
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)