Sữa từ đậu, hạt có dầu, nước dừa hay lúa mạch đều có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với những người không dung nạp lactose từ sữa động vật.
Sữa đậu nành Ảnh: Shutterstock |
Các loại sữa này có thể thay thế hoặc sử dụng xen kẽ với các protein động vật một cách rất hoàn hảo. Chúng ta có thể sử dụng sữa hạnh đào, sữa đậu nành, sữa đậu đỏ, sữa (cốt) dừa… trong các món bánh ngọt hoặc thức uống giải khát. Mỗi loại sữa có giá trị dinh dưỡng riêng biệt mà bạn cần phải nắm rõ nhằm sử dụng cho hợp lý. Trước hết từ “sữa” sử dụng ở đây là không chính xác bởi nó là sự pha trộn của nước và ngũ cốc hay trái cây, nên gọi là thức uống dinh dưỡng thì đúng hơn. Thức uống này có nhiều lợi thế: không cholesterol, không lactose và cũng không casein, nhưng lại giàu vitamin A, B, C và E; khoáng chất (calcium, phosphor, potassium, magnésium…); và a xít béo tốt (lipid không bão hòa).
Sữa đậu nành là thức uống giàu calcium và protein nhất; trong khi sữa hạnh đào lại có tính sát khuẩn đối với ruột, có sắt, magnésium và chất xơ tốt. Sữa hạt dẻ đặc biệt giàu sắt và a xít béo không bão hòa đơn nên hỗ trợ tốt các bệnh tim mạch. Sữa từ bột gạo là loại thức uống nhẹ và dễ tiêu nhất, có thể cung cấp silicium, thành phần thiết yếu trong cấu trúc xương và sụn. Riêng về nước cốt dừa, ngoài việc thoa để nuôi dưỡng da và tóc rất tốt với vitamin B và C, khoáng chất thiết yếu và a xít béo, thì còn được sử dụng trong các món ăn mặn và ngọt.
Theo tạp chí sức khỏe Doctissimo, Pháp, thì chúng ta nên xen kẽ các loại thức uống từ thực vật với sữa động vật để có thể đa dạng hóa nguồn protein và dưỡng chất. Để giữ lại tất cả các thành phần dinh dưỡng, các loại sữa tự làm nên được bảo quản kỹ trong chai lọ có nắp kín ở nhiệt độ mát, trong vòng một tuần. Những chai đã mở nắp nên sử dụng hết trong ngày hoặc là sử dụng bột hạt các loại để pha chế khi cần uống.
Theo TNO
Bình luận (0)