Sáng 23-9, bà Phan Thị Túy Vân – Giám đốc Công ty TNHH Kim An (đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Yili, Trung Quốc) cho biết: “Tính đến thời điểm này, trên thị trường vẫn còn 19 hộp sữa Yili chưa thu hồi được. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục thu hồi sản phẩm…”.
Trước đó, ngày 22-9, tại Công ty TNHH Kim Ấn, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã niêm phong 1.397 thùng sữa Yili (mỗi thùng 12 hộp loại 1 lít). Theo bà Túy Vân, tháng 8-2008 công ty nhập 1.494 thùng sữa Yili, sữa chua, sữa tươi nguyên chất của Trung Quốc. Đến ngày 5-9 thì đưa sản phẩm ra bán tại 125 cửa hàng chủ yếu ở các quận 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Đến ngày 15-9, nghe thông tin sữa Trung Quốc có chứa melamine, công ty chủ động mang sữa Yili đi xét nghiệm và ngưng đưa hàng ra thị trường. Đồng thời thu hồi toàn bộ sữa Yili trên thị trường. Mặc dù sữa Yili là nhãn sữa mới nhưng sau 10 ngày (từ 5 đến 15-9) được đưa ra thị trường, Công ty TNHH Kim Ấn đã bán được trên 300 hộp (mỗi hộp 1 lít).
Tối 22-9, bà Túy Vân khẳng định: “Kết quả xét nghiệm sữa Yili cho thấy sữa có chứa chất melamine”. Để có cơ sở xử lý, sáng 23-9, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Thanh tra Sở Y tế đã đưa mẫu sữa Yili đi xét nghiệm.
Cũng trong sáng 23-9, Liên Sở Y tế và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP.HCM đã tiến hành kiểm tra việc thu mua sữa tươi tại các trạm trung chuyển sữa trên địa bàn huyện Củ Chi. Đoàn đã lấy mẫu để đi xét nghiệm.
Song song đó, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn số 5.404 về việc kiểm tra sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc gửi Bộ Y tế và UBND TP. Theo đó, kiến nghị UBND TP chỉ đạo Hải quan TP cung cấp danh sách các sản phẩm sữa được nhập vào TP.HCM có nguồn gốc từ Trung Quốc. Kiến nghị Bộ Y tế rà soát lại việc cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và cung cấp danh sách công bố tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến công ty sữa của Trung Quốc buộc phải thu hồi sản phẩm…
* Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM vừa giám định hai mẫu sữa AC FOOD (giúp người gầy tăng cân và trẻ từ 1-15 tuổi tăng chiều cao) do Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Cần Thơ gửi đến. Kết quả cho thấy, các chỉ số dinh dưỡng thấp hơn với nội dung công bố trên nhãn sản phẩm. Loại sữa kém chất lượng này được bày bán tại cửa hàng Minh Thiện do bà Huỳnh Thị Phước (số 168 đường Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) làm chủ.
Bà Huỳnh Thị Phước cho biết: Số sữa trên được mua của Công ty TNHH Lâm Tiến (số 120/1A, đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) do ông Lê Trần Nghĩa Tín làm chủ. Kiểm tra Công ty Lâm Tiến, cơ quan chức năng phát hiện loại sữa AC FOOD (dành cho người gầy) còn tồn tới 560 hộp và loại sữa AC FOOD (dành cho trẻ em để tăng chiều cao) còn 308 hộp. Ông Tín cho biết: hai loại sữa trên mua của Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Á Châu (số 130, đường Tân Chánh Hiệp 25, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) với số lượng 3.600 hộp.
H.Triều – N.N
Ngày 23-9, Sở Y tế TP.HCM đã có Công văn 5388 về việc tăng cường giám sát việc sử dụng sản phẩm sữa bột không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gửi giám đốc các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Y tế đề nghị giám đốc các bệnh viện công lập và ngoài công lập chỉ đạo nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh cho trẻ em chú ý khai thác tiền sử, bệnh sử về việc sử dụng sữa, đặc biệt là các loại sữa bột có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi phát hiện những bất thường do sử dụng các loại sữa bột liên quan đến sức khoẻ trẻ em đề nghị các bệnh viện phải tích cực chữa trị và báo cáo khẩn về Phòng Nghiệp vụ y – Sở Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu sữa và các sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ sữa tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm hàm lượng melamine trong sữa thành phẩm, sữa nguyên liệu trước khi sử dụng. |
Bình luận (0)