Năm học mới càng đến gần thì hiệu trưởng những trường tổ chức bán trú càng bị các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp bủa vây. Để cạnh tranh lẫn nhau, các công ty đã tung ra nhiều loại thực đơn, mức giá và phần trăm hoa hồng hấp dẫn… Song, chất lượng bữa ăn của học sinh có thật sự đảm bảo?
Mỗi suất ăn phải chịu 40% các chi phí
Trong vai hiệu trưởng một trường THCS dân lập, tôi gọi điện đến Công ty cung cấp suất ăn công nghiệp Đ.H.L và đề nghị được cung cấp bảng báo giá, thực đơn qua địa chỉ mail. Tuy nhiên, nhân viên của Đ.H.L đã khéo léo từ chối và xin số điện thoại để liên lạc lại sau. Ngày hôm sau một nhân viên tên Hiệp của Đ.H.L đã liên lạc với tôi và nói sẽ trực tiếp đem bảng báo giá cũng như thực đơn tới trường. Khi thấy tôi nói chỉ tham khảo giá chứ chưa quyết định ký hợp đồng, Hiệp chuyển ngay đề tài sang phần trăm hoa hồng. Hiệp tiết lộ: “Để cạnh tranh với các công ty khác, bắt buộc Đ.H.L phải có chế độ hậu mãi đối với các trường. Trường càng đông HS, giá đặt suất ăn càng cao thì hoa hồng cho nhà trường càng nhiều. Ngoài hoa hồng dành cho trường, chúng tôi sẽ không quên phần của chị”.
Sau đó Hiệp năn nỉ tôi cung cấp địa chỉ của trường để đưa bảng báo giá, thực đơn và những giấy tờ liên quan tới. Tôi trả lời rất bận, không có thời gian tiếp anh ta, chỉ cần thông tin qua mail là đủ nhưng “em sẽ gửi thông tin ở phòng bảo vệ”, Hiệp tha thiết. Bí quá, tôi đành phải cho anh ta một cái địa chỉ “ma” trên đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3…
Về phần trăm hoa hồng, Ngọc Minh – Công ty cung cấp suất ăn công nghiệp N.S.G hứa hẹn: “Nếu chị ký hợp đồng, ngoài 10% để lại cho trường, em sẽ trích ra 10% cho chị”. “Một suất cơm giá 12 – 13 ngàn đồng, trừ 20% hoa hồng cho bên mua, trừ chi phí nhân công, vận chuyển… thì giá thực của suất cơm là bao nhiêu?”, tôi băn khoăn hỏi lại. Không cần suy nghĩ, Ngọc Minh trả lời ngay: khoảng 8 – 9 ngàn.
Bà Nguyễn Thị Phi, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí, Q.1 cũng cho biết: “Năm học 2007-2008, trường đặt mỗi suất ăn là 11.500đ nhưng thực chất chỉ có 9.500đ. Bên công ty người ta nói phải trừ thuế, tiền công vận chuyển, tiền nhân công…”
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hồng Liên – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Tôi đã có dịp đi thăm một số công ty cung cấp suất ăn công nghiệp và nhận thấy giá trị thực của mỗi suất ăn sau khi đã trừ các khoản chi phí chỉ còn khoảng 60%.”
Với mức giá 8 – 9 ngàn/suất trong thời vật giá leo thang từng ngày như hiện nay, liệu mỗi bữa ăn có đảm bảo đủ từ 900 – 1.200 calo/HS với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là chất bột đường, chất đạm, chất béo, rau củ và trái cây? Hay các nhà cung cấp lại “treo đầu dê, bán thịt chó” như ghi nhận của chúng tôi trong năm học 2007 – 2008. Không ít công ty đã đưa ra những suất ăn không chỉ kém về chất lượng, thiếu về số lượng mà còn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế là năm nào trên địa bàn thành phố cũng xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các trường đặt suất ăn công nghiệp…
Các trường “né” bếp ăn tập thể
Khi được hỏi tại sao không tổ chức bếp ăn tập thể trong trường học vừa đảm bảo được chất lượng, số lượng bữa ăn cho HS, vừa kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, các hiệu trưởng đều đưa ra 1.001 lí do để biện minh.
Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1, Trường THCS Colette, Q.3 và nhiều trường trên địa bàn các quận trung tâm đều cho rằng, việc nấu ăn trong trường học sẽ ảnh hưởng không tốt môi trường sư phạm.
Trong khi đó Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4 và Trường THCS Đức Trí, Q.1 thì không có đất để xây dựng bếp ăn. Bà Nguyễn Thị Phi, Hiệu trưởng THCS Đức Trí, Q.1 cho biết: “Diện tích của trường quá nhỏ, không thể xây dựng bếp ăn. Mặt khác, tổ chức bếp ăn đòi hỏi phải có một đội ngũ cấp dưỡng, một hiệu phó chuyên phụ trách bán trú. Qui mô trường nhỏ, chỉ có 1.300 HS/28 lớp, trong đó chỉ có 10 lớp tổ chức bán trú với 400 HS ăn trưa tại trường. Nếu tổ chức bếp ăn tập thể thì hoạt động sẽ không hết công suất, như vậy sẽ rất lãng phí. Đó là chưa kể đến biện pháp ngăn ngừa cấp dưỡng bớt xén tiền chợ, lương thực, thực phẩm; nguy cơ cháy nổ… Nói chung, xu hướng của các trường hiện nay là đặt suất ăn công nghiệp, nhiều trường có bếp cũng bỏ không, quay sang đặt suất ăn công nghiệp”.
Trường THCS Nguyễn Du – Q.1, Trường THCS Đồng Khởi – Q.1… là minh chứng của việc bỏ bếp ăn tập thể để đặt suất ăn công nghiệp. Bà Huỳnh Thiên Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi cho rằng: “Hiện tại phí phục vụ bán trú là quá thấp, chỉ có 30.000đ/HS/tháng. Với số tiền này chúng tôi không biết chi lương cho bảo mẫu và cấp dưỡng như thế nào. Vả lại, số HS học bán trú chỉ có 450 em nên tổng thu tiền bán trú rất thấp. Khi đặt suất ăn công nghiệp, không phải chúng tôi phó mặc việc ăn uống của HS cho các công ty. Trước khi quyết định đặt suất ăn tại công ty nào chúng tôi đều tìm hiểu kỹ, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà trường cắt cử một cán bộ y tế theo dõi việc lưu mẫu thức ăn hàng ngày, kiểm tra suất ăn có đúng với thực đơn…”.
Những lý lẽ mà hiệu trưởng các trường đưa ra đều thuyết phục và rõ ràng việc đặt suất ăn công nghiệp phục vụ bữa trưa cho HS cũng không phải là không tốt. Tuy nhiên, mục tiêu của các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp là lợi nhuận chứ không phải chăm lo sức khỏe cho học sinh. Do đó, hiệu trưởng các trường nên cân nhắc khi quyết định ký hợp đồng với một công ty nào. Không chỉ vì phần trăm hoa hồng cao và những lời quảng cáo “có cánh” mà phớt lờ chất lượng bữa ăn của các em.
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)