Người lao động phải nhắm mắt ăn những suất ăn thiếu dinh dưỡng mỗi ngày. Điều đáng nói là nguồn thực phẩm kém chất lượng ấy đang dần giết chết họ..
Chuẩn bị suất ăn công nghiệp tại một quán ăn ở huyện Bình Chánh |
26 công nhân của Công ty TNHH N.H và Công ty TNHH May thêu A.P bị ngộ độc chiều 14-9 sau khi ăn tối, một lần nữa cho thấy sức khỏe của công nhân đang đánh cược với những suất ăn công nghiệp.
Hồi hộp khi ăn
Mỗi năm xảy ra hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm tập trung tại các KCX-KCN trên địa bàn TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh với hàng ngàn lao động phải nhập viện… là một con số đáng báo động. Tuy nhiên, công tác quản lý bếp ăn tập thể, kiểm soát các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp còn lỏng lẻo dẫn đến số vụ ngộ độc có chiều hướng tăng trong những năm gần đây. Chỉ riêng năm 2016, tại KCX-KCN TP.HCM xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 300 người nhập viện.
Ông Nguyễn Văn Thường, đại diện Công đoàn DN Thuận Hòa (Q.Tân Phú) cho biết, hiện nay, mặt bằng chung suất ăn công nghiệp mà các đơn vị cung cấp phải từ 25-30.000 đồng. Với số tiền này, doanh nghiệp có bếp bố trí nhân sự nấu ăn thì chất lượng hơn, nguồn thực phẩm cũng đảm bảo hơn. Thực tế, không ít doanh nghiệp chỉ chi khoảng 17-22.000 đồng/ suất ăn thì lấy đâu ra bữa ăn chất lượng, an toàn? “Nguy hiểm hơn, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cạnh tranh giá cả đến mức giá mỗi suất chỉ bằng một bó rau muống. Công nhân hồi hộp khi đến bữa là chuyện thường, riết rồi quen, đến nỗi khi ăn ở ngoài lại có cảm giác không an toàn”, ông Thường nói thêm.
Ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM cho biết, hiện toàn thành phố có 1.167 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCX-KCN của TP với gần 300.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ có 217 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, trong đó có 93 doanh nghiệp thuê đơn vị vào nấu tại công ty và 124 doanh nghiệp có người nấu trực tiếp. Còn lại 364 doanh nghiệp mua suất ăn bên ngoài và 424 doanh nghiệp hỗ trợ tiền cơm cho lao động. Trung tuần tháng 8-2017, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, Ban Quản Lý các KCX-KCN TP và LĐLĐ TP đã ký kết quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX-KCN giai đoạn 2017-2019. Ký kết này nhằm kéo giảm số vụ ngộ độc trong năm 2017, 2018 và 2019 giảm 30% so với năm 2016.
Cần nâng cao chất lượng bữa ăn
BS Nguyễn Hữu Huân (BV An Bình) cho biết, qua khảo sát chất lượng bữa ăn của công nhân mà ông tham gia mới đây, kết quả có đến 80% mẫu suất ăn công nghiệp (cả bữa chính và bữa phụ giữa ca) đều không cung cấp đủ năng lượng cho một ngày làm việc. Đó là chưa kể nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo quản không đúng cách là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc tập thể. Sử dụng thực phẩm bẩn, thiếu dưỡng chất lâu ngày là nguyên nhân bào mòn sức khỏe, thậm chí giết chết người lao động. |
Cũng theo ông Đô, trong thời gian qua, công đoàn các KCX-KCN đã nỗ lực cùng các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn chính cũng như bữa ăn giữa ca cho công nhân. Theo đó, bữa ăn phải đảm bảo dưỡng chất, chế biến từ thực phẩm an toàn. Ngoài ra, công đoàn cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp gạo, thực phẩm an toàn, giá rẻ đến với công nhân tại cửa hàng, siêu thị ngay tại các KCX-KCN. Thời gian tới sẽ tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia triển khai đưa thực phẩm sách đến người lao động.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp quan tâm chu đáo đến bữa ăn của người lao động. Theo đó, tại doanh nghiệp có bếp ăn đúng chuẩn, hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, đầu tư dụng cụ thử hàn the trong thực phẩm đầu vào. Đặc biệt là hàng ngày, trước khi chế biến thực phẩm được kiểm tra lần nữa và lưu mẫu theo quy định. “Để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân, chúng tôi khuyến khích tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc giám sát chất lượng thực phẩm đầu vào, quy trình bảo quản và chế biến. Qua kiểm tra, những doanh nghiệp mà công đoàn đảm trách nấu ăn cho công nhân thì chất lượng bữa ăn khá hơn, an toàn hơn”, ông Khải lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)