Theo báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019”, Việt Nam đang đứng thứ ba Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp với hơn 3.000 startups đang hoạt động. Từ đầu năm 2019 đến nay, startup Việt Nam đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 670 triệu USD cho khoảng 50 thương vụ, riêng TP.HCM chiếm gần một nửa (23 thương vụ), tương ứng hơn 300 triệu USD gọi vốn.
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp nông nghiệp
Thu hút quỹ đầu tư nước ngoài
Các chuyên gia nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã được cộng đồng khởi nghiệp quốc tế đánh giá cao và chọn là điểm đến mở rộng thị trường. Khoảng 5 năm trở lại đây, các đối tác Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia… chọn Việt Nam là thị trường tiềm năng trong phát triển khởi nghiệp doanh nghiệp công nghệ. Cùng với đó là chương trình trao đổi startup giữa các nước để tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư.
Theo công bố của Sở KH-CN TP.HCM, chỉ riêng Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019 (WHISE 2019) đã có 15 quỹ đầu tư đến từ Singapore, Indonesia và Hàn Quốc kết nối với 35 startup tại TP.HCM. Đây là cơ hội để cộng đồng khởi nghiệp tìm kiếm đối tác, chinh phục thị trường.
Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành SIHUB) trao đổi với đối tác nước ngoài
Ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định hệ sinh thái khởi nghiệp của TP hình thành và phát triển bền vững, tạo niềm tin cho startup trong và ngoài nước là nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc 4 ngành/ lĩnh vực công nghiệp trọng yếu như cơ khí, chế biến tinh lương thực – thực phẩm, hóa – dược – cao su – nhựa, điện – điện tử – công nghệ thông tin) và 9 ngành dịch vụ trên địa bàn TP sẽ được ưu tiên hỗ trợ hợp tác và kết nối KHCN, gọi vốn và thương mại hóa sản phẩm công nghệ.
Theo ông Dũng, xác định phát triển TP theo hướng tri thức, bền vững, thông minh và sáng tạo, những năm qua, TP đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, thúc đẩy phát triển theo định hướng này. TP hiện là một điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và được coi là “ngôi nhà chung” của gần 50% doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. TP cũng được xếp hạng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á. WHISE 2019 cũng là cơ hội để các nhà quản lý và cộng đồng khởi nghiệp TP cùng đánh giá lại kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, từ đó có cơ sở để tiếp tục tham mưu cho TP những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hoạt động có hiệu quả và chất lượng hơn.
Startup Việt Nam nhận giải thưởng tôn vinh startup đột phá Đông Nam Á – Rice Bowl Awards 2019 và sẽ tranh tài tại lễ trao giải khu vực vào đầu năm 2020 tại Malaysia
Tại Hội thảo “Kết nối cung cầu công nghệ quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc năm 2019”, do Trung tâm Thông tin và thống kê KH&CN (CESTI – Sở KH-CN TP) và Trung tâm Thương mại hóa toàn cầu (GCC – Hàn Quốc) tổ chức hồi tháng 9-2019, các chuyên gia khẳng định doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể phát triển hơn nữa ở các thị trường tiềm năng trong khu vực và thế giới, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động theo hướng đổi mới sáng tạo. Thông qua các chương trình kết nối cung cầu, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hoàn toàn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với sự hỗ trợ tích cực từ nhà đầu tư, các quỹ đầu tư uy tín.
Điểm sáng khởi nghiệp
Một trong những sự kiện tiêu biểu dành cho cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước là Vietnam Startup Day 2019 với sự tham gia của hơn 200 mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trên cả nước do Sở KH-CN TP phối hợp với các đơn vị tổ chức mới đây. Tại sự kiện này, các dự án khởi nghiệp tiêu biểu đến từ 12 quốc gia thuộc 4 châu lục là châu Á (Việt Nam, Singapore, Nepan, Thái Lan); châu Âu (Anh, Đức); châu Mỹ (Mỹ, Canada) và châu Úc (Úc) tranh tài ở vòng chung kết Startup Wheel 2019 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 10 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành SIHUB – Sở KH-CN TP) chia sẻ: Vietnam Startup Day 2019 mang niềm tự hào vươn tầm quốc tế của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam; Là nơi kết nối những tài năng trẻ khởi nghiệp xuất sắc của Việt Nam và quốc tế. Đây là cơ hội để các nhà sáng chế, nghiên cứu và khởi nghiệp “bắt tay” với nhà đầu tư, quỹ đầu tư hàng đầu trong mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp. “Khởi nghiệp từ các sản phẩm phục vụ khoa học và công nghệ đang là xu hướng mới của các nước trong khu vực và thế giới. Với nền tảng sẵn có, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung có đầy đủ tiềm lực để ra biển lớn”, ông Tước nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Dũng trao đổi với Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp công nghệ – ông Phạm Hồng Quất
Cùng quan điểm với ông Tước, ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN – Bộ KH-CN) nhìn nhận con đường khởi nghiệp của các startup hiện nay có nhiều thuận lợi. Cụ thể là cơ chế, chính sách ngày càng nhiều và thoáng hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để vươn ra thế giới. Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM. Đây chính là cơ hội để Việt Nam xây dựng mạng lưới khởi nghiệp quốc gia, thu hút đầu tư và trao đổi startup giữa Việt Nam và thế giới.
Trong khi đó, cố vấn SIHUB – ông Trần Bung khẳng định với kiến thức và niềm đam mê, tinh thần doanh nhân, doanh nghiệp, dám chấp nhận rủi ro, thử thách, các startup trẻ đã thành công ở một số lĩnh vực. Đặc biệt, với sự hỗ trợ kết nối của SIHUB, nhiều dự án khởi nghiệp của Việt Nam đã đến nước ngoài mở rộng hợp tác thành công.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)