Nằm lọt thỏm giữa bốn vách núi, 100% học sinh là người dân tộc Raglay, Trường Tiểu học Phước Kháng (xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc – Ninh Thuận) nơi được xem là vùng trũng về giáo dục của huyện ở những năm trước thì bây giờ đã vươn lên mạnh mẽ khi tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn 0,02%.
Trong một chuyến công tác vào đầu tháng, chúng tôi có dịp ghé qua xã Phước Kháng thuộc huyện miền núi Thuận Bắc – cách trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm gần 50km là nơi có tỷ lệ 100% học sinh là người dân tộc Raglay. Trên đoạn đường đến trung tâm huyện lỵ, đập vào mắt chúng tôi là những hình ảnh rất đặc trưng của mảnh đất Ninh Thuận với hình ảnh cây cối xơ xác, đất khô cằn quanh năm. Từng mái nhà, ngọn cây đều hiện lên một sự cằn cỗi đến nao lòng.
Cô giáo trẻ với những cô cậu học trò đen nhẻm của mình
|
Sự học của người Raglay
Đường về trường khó khăn hơn rất nhiều so với những gì mà thầy Nguyễn Thế Quang, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Thuận Bắc đã cảnh báo. Từ trung tâm huyện phải mất hơn hai tiếng đồng hồ ngồi xe với những góc cua dựng đứng lạnh cả sống lưng, chúng tôi mới về đến Trường TH Phước Kháng. Trái ngược với hình ảnh xác xơ của vùng đất được xem là khó khăn nhất của huyện Thuận Bắc, Trường Tiểu học Phước Kháng hiện ra trong mắt chúng tôi như một “lâu đài” lộng lẫy được bao bọc bởi bốn bên là vách núi. Từng tốp học sinh đang vui đùa, múa bài thể dục buổi sáng với những điệu xòe như cánh hoa ban rừng khiến chúng tôi, những vị khách từ phương xa đến cảm nhận được vẻ đẹp của vùng đất khô cằn này. Tiếp chúng tôi, thầy Hồ Hữu Pha, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù là một xã mang đặc thù của miền núi với 100% dân số là dân tộc Raglay, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Nhưng điểm vui mừng nhất chính là việc đến nay, 100% học sinh đến tuổi đi học của xã đều đã ra lớp và rất chuyên tâm học hành. Điều tự hào là tính đến cuối tháng 10-2010, tỉ lệ học sinh nghỉ bỏ học toàn xã là rất thấp, chỉ khoảng 0,02%. Nếu như những năm trước, người dân cho con đến trường với mục đích nhận gạo, nhận trợ cấp của huyện thì đến nay gần như tất cả đã ý thức được việc cho con đi học là để biết cái chữ, để tìm kiếm một sự đổi thay ở tương lai”.
Ghi nhận của chúng tôi cũng cho thấy rất rõ điều ông Hiệu trưởng Hồ Hữu Pha đã nói. Hình ảnh rất nhiều phụ huynh ở xa với gùi trên vai đã tranh thủ những giờ lên rẫy về ghé ngang trường đưa cho con em họ những gói khoai, củ sắn để ăn lót lòng khi theo học tại trường. Rồi hình ảnh những ông bố bà mẹ cõng con từ trên núi xa xuống trường theo học vào đầu giờ chiều cho thấy một “luồng gió” mới đang thổi trên mảnh đất vùng cao này. Cô Lê Thị Xuân Xanh, giáo viên lớp 1, người dân tộc Raglay chia sẻ: “Sự học của con em trong các bản các thôn của xã Phước Kháng giờ đã tốt hơn trước rất nhiều rồi anh ạ. Tính đến thời điểm này hầu như không có em nào đến tuổi mà lại bỏ trường lên rẫy theo cha mẹ cả. Hai năm nay, trường đều duy trì được tỉ lệ học sinh với 100% sĩ số lớp được đảm bảo, dù có những thời điểm người dân ở đây hết sức khó khăn vì mất mùa”. Việc học ở đây, giờ không chỉ là học theo chủ trương mà nó đã trở thành một phong trào thi đua học tập giữa các em. Nhìn cảnh những em học sinh người dân tộc cần mẫn gò từng nét chữ theo chỉ dẫn của cô giáo, hay những nụ cười hồn nhiên, hạnh phúc của các em vì được cô khen khi trả lời đúng những câu hỏi khiến chúng tôi tin vào những gì thầy cô nơi đây nói và làm được.
Vun đắp cho những khát khao tuổi trẻ
Để có được thành quả là một xã hội học tập, nhà nhà thi đua học tập như chính lời ông Quang nói ngày hôm nay là cả một chặng đường đầy gian khó của biết bao nhiêu thế hệ giáo viên bám núi bám rừng dạy chữ cho học sinh nơi này. Tất cả họ đều vì tình yêu học trò, vì nghiệp “phấn trắng bảng đen” đã đến với học sinh ở vùng đất được xem là miền viễn Tây của Việt Nam. Họ chấp nhận vượt núi, leo đèo hàng chục cây số suốt bao nhiêu năm đi đi về về dạy học, chấp nhận nghe những lời chửi mắng của phụ huynh khi đi vận động học sinh đến trường. Những khó khăn đôi lúc làm nhiều giáo viên tưởng chừng như phải chùn bước nhưng rồi cũng đành phải khuất phục trước lòng kiên nhẫn của cô thầy nơi mảnh đất này. Cô Trần Thị Kim Vong – lớp 2 với thâm niên 12 năm bám trường, tâm sự: “Những năm trước trường lớp chỉ là những dãy nhà tạm bợ, học sinh thưa thớt và khó dạy bảo lắm. Những ngày ấy, tâm trạng chán nản vì phải xa nhà, xa người thân khiến mình đôi lúc bị nhụt chí. Tuy nhiên, nhờ sự thương yêu của bà con đồng bào dân tộc, sự động viên không ngừng của Ban giám hiệu, của thầy cô lãnh đạo phòng, đặc biệt là niềm tin vào một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn nên chúng tôi đã thầm tự nhủ với nhau quyết tâm vượt khó, bám trường, bám lớp để thực hiện cho được. Và suốt 12 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, điều chúng tôi kỳ vọng cuối cùng đã được đền đáp. Học sinh nơi đây không những đến lớp đầy đủ mà còn trở nên chăm ngoan và rất siêng năng học tập. Hình ảnh những em học sinh vừa cõng em sau lưng, vừa lội bộ hàng chục cây số đến trường để học đã cho chúng tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc để rồi thêm phấn đấu vì các em”. Chia sẻ thêm về những ngày đầu gian khó, cô Lê Đạo Thị Dươi, giáo viên người Chăm, nhà ở xã Xuân Hải (cách trường 25km) cho biết: “Khó khăn từ việc vận động học sinh đến trường là một thì khó khăn về điều kiện đi lại, ăn ở sinh hoạt hàng ngày của giáo viên lại lên đến mười. Việc đi lại của thầy cô giáo từ cơ sở này đến cơ sở khác (trường có bốn cơ sở) đôi lúc là cả một sự thử thách. Nhiều hôm, đi từ nhà đến trường không ít giáo viên trở thành những người lính công binh vì khắp người toàn bùn đất vì trượt té giữa đường. Có những hôm mưa to gió lớn, nước tràn bờ chống tràn khiến không ít giáo viên phải bỏ xe giữa đường mà lội bộ tới lớp. Khi đến được lớp học thì học sinh cũng đã về gần hết, thế là lại ngồi khóc và tự trách mình”.
Thế hệ giáo viên như cô Vong, cô Dươi, cô Xanh ít nhiều còn đỡ cực vì các điều kiện sinh hoạt, ăn ở đi lại hiện nay đã đỡ hơn trước, chứ thế hệ thầy cô giáo “lĩnh ấn tiên phong” dựng trường giữ lớp như thầy Phan Xuân Thành (20 năm dạy học), thầy Hồ Hữu Phan, cô Nguyễn Hải Thương mới thật sự là những người đáng khâm phục. Thế hệ ấy có thể nói là đã vun đắp và cống hiến tất cả những khát khao, những ước vọng của tuổi trẻ cho mảnh đất này. Thầy Hồ Hữu Phan – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để có được một ngôi trường giữa rừng sâu núi thẳm với việc duy trì 100% sĩ số học sinh sau mỗi năm học như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài của thế hệ đi trước như anh Thành, cô Thương miệt mài bám bản. Thật hạnh phúc khi những khát vọng, những ước mong của mình những ngày đầu khi tới đây đã trở thành sự thật. Dân đã tin, học sinh đã vui khi tới trường, ánh sáng văn minh và tri thức đã thật sự bừng sáng trên mảnh đất cằn cỗi này. Dù biết còn khó khăn rất nhiều. Rời “lâu đài” của bản Bà Nâu khi mặt trời đang khuất dần sau đỉnh núi, tôi chợt nhớ tới lời thầy hiệu trưởng nói lúc chia tay: “Tỉ lệ học sinh khá giỏi ở đây bây giờ đã là 29,9% rồi đấy anh. Một tỉ lệ thực chất bằng chính tâm huyết và công sức của thầy cô nơi đây”. Nhìn hình ảnh các em học sinh vô tư vui đùa trên đường đi học về mà tôi tin, tin vào một ngày mai tươi sáng ở vùng non cao này.
Bài, ảnh:Nguyên Hải
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Thuận Bắc cho biết: “Việc học của người Raglay nơi đây không chỉ đi vào ổn định mà còn đang có những chuyển biến hết sức đáng vui mừng. Phụ huynh từ chỗ không muốn cho con đi học đến nay phần lớn đã tự nguyện gửi con đến trường. Trường dù còn nhiều khó khăn và thiếu thốn nhưng hai năm trở lại đây lại trở thành điển hình tiêu biểu của toàn tỉnh về việc thực hiện phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực””. |
Tin liên quan
Gần hai tháng nay, sau những hoạt động chào đón năm học mới, tại Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn...
Những giờ học gắn kiến thức với thực tế, những sân chơi học sinh được “cháy hết mình”… là trái ngọt của...
Với nỗ lực không ngừng đổi mới khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã ngày...
Nhờ đổi mới, kiên trì trong tư duy kết hợp sáng tạo trong dạy - học nên thầy và trò Trường THCS...
Bình luận (0)