Trong đăng ký của Sở GD-ĐT TPHCM với Bộ GD-ĐT về việc hoàn thành đề án phổ cập trẻ 5 tuổi vào năm 2012 đã đặt mục tiêu trước tháng 6- 2012 phải công nhận 24/24 quận, huyện hoàn thành phổ cập
Chưa tính đến những khó khăn phát sinh, nhiều chuyên gia giáo dục quan ngại rằng nếu không nhìn vào thực lực hiện có, ngành GD-ĐT TPHCM sẽ lại chạy theo bệnh thành tích mà người thiệt thòi cuối cùng chính là các cháu trong độ tuổi mầm non.
Một việc dễ thấy nhất là tình trạng tuyển sinh vào các trường mầm non năm nay “căng” hơn mọi năm do các trường phải dành ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Nhiều trường mầm non, ngay cả tại quận 1, cũng không tuyển sinh lớp mầm, lớp chồi. Phụ huynh lao đao tìm chỗ học cho con. Không những diện tạm trú bị từ chối thẳng mà kể cả thường trú để có được cơ hội học tại các trường công lập cũng hết sức mong manh.
Tại quận Tân Phú, bà Chung Thị Bích Phượng, Phó Phòng GD-ĐT, tâm tư rằng chắc chắn quận Tân Phú sẽ không thể hoàn thành nổi vào năm 2012 bởi quận hiện có 5.554 trẻ 5 tuổi cần được phổ cập theo đề án của Bộ GD-ĐT, trong đó 1.676 trẻ hoàn toàn chưa ra lớp. Đó là chưa kể còn nhiều trẻ mới nhập cư hoặc không khai báo nên quận không thể thống kê. Trong khi đó, quận chỉ có 10 trường mầm non công lập, còn tới 3 phường “trắng” trường công. Nếu số trẻ này được vào hết các trường công thì trung bình mỗi trường tiếp nhận 500 cháu và toàn bộ số trẻ lớp mầm, chồi… phải ra ngoài học hết mới đủ chỗ.
Để giữ nguyên số trẻ cũ tại các trường công và ưu tiên cho đề án, năm nay, toàn bộ các trường mầm non công lập tại quận Tân Phú nói “không” với trẻ 3 và 4 tuổi (kể cả hộ khẩu thường trú và tạm trú). Bà Phượng bày tỏ: “Đành phải nhờ đến các trường ngoài công lập và nhà trẻ tiếp nhận”.
Rõ ràng với việc đăng ký một mốc thời gian rất ngắn như vậy, ngành GD-ĐT TPHCM đang vô tình tạo sức ép cho nhiều quận, huyện, nhất là những nơi có nhiều KCN, KCX và nhiều dân nhập cư. Một lãnh đạo phòng GD-ĐT thừa nhận không dám tham gia thi đua hoàn thành phổ cập bởi biết “phận” mình không thể có điều kiện như những nơi khác.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng TPHCM nên đẩy mạnh việc xây trường tại các “điểm nóng” về thiếu trường công chứ không phải chờ đến khi có đề án mới tăng tốc xây dựng. Việc toàn bộ số trẻ 3 và 4 tuổi tại quận Tân Phú (không ít trong đó là con của những người lao động nghèo) sắp tới đây phải vào các trường tư với mức học phí theo kiểu của những người làm kinh doanh giáo dục hoặc vào các nhóm trẻ gia đình với chất lượng giảng dạy và chăm sóc chỉ có “trời” mới biết là việc đáng lo hơn.
Theo Đặng Trinh
(nld)
Bình luận (0)