Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sức hút của Georgetown

Tạp Chí Giáo Dục

Penang trên bản đồ du lịch là những bãi biển với dừa xanh, cát trắng kéo dài hàng chục km từ Tanjung Bungah đi qua Tanjung Toking đến Batu Ferringhi và Telok Bahang. Khách du lịch đến đây có thể vui thú với các trò chơi ngoài trời như lái ca-nô, diều người… nhưng ít khi tắm biển.
Nước biển Penang không trong, cát không mịn màng, bù lại khách du lịch sẽ có những khoảnh khắc khám phá các con phố nổi tiếng của khu phố cổ trung tâm Georgetown.
Sức hấp dẫn của Penang (và của Malaysia nói chung) là một nền văn hóa hỗn hợp giữa các sắc tộc: Malay, người Hoa, Ấn Độ… Điều dễ thấy nhất ở Penang là các công trình kiến trúc vững chãi tồn tại trong nhiều thế kỷ: ngôi đền Phật giáo người Hoa lẩn quất mùi trầm hương và tiếng kinh cầu nguyện của những vị sư già, hay khu đền thờ Hồi giáo trang nghiêm.
Phần cổ nhất của Georgetown nằm ở phía đông Penang Road, có những kho lưu trữ và những cửa hàng thương mại cũ của những năm xa xưa, cũng là nơi mà lịch sử Georgetown bắt đầu hình thành. Gần đó là con đường nổi tiếng của khu phố cổ Lebuh Pantai. Có thể dạo phố bằng xe trishaw – một loại xe “xích lô” ba bánh, được kết đầy hoa và gắn một dàn loa chuyên phát những bài nhạc sôi động, hay xe bus, taxi… nhưng tốt nhất là nên đi bộ để có thể cảm nhận về những con phố mà bạn bước đi ngày nay là những shophouse, những nhà kho hay những kho hàng bí ẩn tối tăm trong quá khứ. Để nhìn xuyên qua những ô cửa tò vò, lướt qua những kiện hàng hình chữ nhật, hay những cái thùng bên ngoài bao phủ bìa giấy ố vàng và ngửi mùi hăng nồng đặc trưng của đất trời phương Đông… Những người lái xe trishaw là hướng dẫn viên thành thạo nhất ở địa phương, nhưng họ cũng có thể “moi” tiền khách du lịch nếu như quên mặc cả.
Lenpuh Armenian là con đường lịch sử khác, bên cạnh các di sản văn hóa cổ xưa nhất nổi tiếng ở Penang như Khoo Kongsi, Yap Kongsi hoặc là đền Tua Pek Kong. Theo bản đồ được tìm thấy hồi đầu những năm 1800, Armenian thực ra trước đây có tên là Malay street. 
Chợ trời Campbell luôn ẩm ướt có thể khiến khách du lịch ngại dừng chân, nhưng là nơi có thể nếm được những món lạ miệng từ gà và hải sản. Đến đây vào lúc sáng sớm, khi trời vẫn còn mát dịu với những tia nắng non lướt trên những miếng vải che tạm bợ sẽ thấy dễ chịu, gần gũi như những khu chợ quê nhà. Nhà hàng Loke Thye trên đường Komtar là một trong những nhà hàng cổ nhất ở Penang, đã từng là nơi tổ chức những phiên chợ đấu giá của những năm giao thương nhộn nhịp xa xưa.
Ngồi trên ban công sắt, nhìn xuống  những con phố của Georgetown là cách quan sát cuộc sống thường nhật của người dân Penang. Tuy người đông, phố đông, nhưng cuộc sống không mấy hối hả qua dáng đi thong thả của họ.
Bài & ảnh: Thủy Linh / TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)