Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sức hút của hai vở kịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cảnh trong vở Sám hối

Mặc dù đang trong mùa mưa, nhưng với sự “ra quân” của hai đạo diễn – NSƯT Hồng Vân và Thành Lộc qua hai vở kịch có nội dung rất đặc biệt đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Có thể nói, mùa hè này, chính kịch đã thật sự “lên ngôi”…

Bi kịch từ một hủ tục quái gở
Đó là nội dung chính của vở kịch kinh dị Sám hối (tác giả Diệu Như Trang, đạo diễn Hồng Vân) trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Câu chuyện đề cập đến một hủ tục quái gở của những năm 1930: để gia đình được hưng thịnh thì người đàn ông trụ cột sẽ phải cướp trinh một cô gái. Cũng chính vì tin tưởng mù quáng này mà bà hội đồng Lươn (Lương Mỹ) luôn bắt ép ông hội đồng Lươn (Minh Dũng) phải hại đời của các cô gái đồng trinh để gia đình bà giữ vững sự giàu có. Tâm – con gái ông Tư (Xuân Trang) ở đợ trong nhà ông bà hội đồng Lươn bỗng dưng treo cổ chết một cách oan ức. Ông sống im lìm như cái bóng để tìm hiểu vì sao con mình chết… Đến lượt hai chị em song sinh Thương – Thi nổi tiếng xinh đẹp, hát hay, được ông bà hội đồng Lươn mang từ trại mồ côi về làm con nuôi cũng bỗng dưng mất tích một cách khó hiểu. Trong đó, Thương là người yêu của Lịch (Thanh Duy) – con trai duy nhất của ông bà hội đồng Lươn. Từ ngày hai chị em Thương – Thi mất tích, Lịch bị trầm cảm, giống như người tâm thần, hồn cứ treo lơ lửng trên mây. Và khi cô gái có gương mặt dị dạng tên Sún (Kim Huyền) xin vào làm người giúp việc thì mọi chuyện càng trở nên rắc rối hơn. Những câu chuyện kinh dị, bí hiểm với những con người ma quái trong ngôi nhà ông hội đồng ngày càng trở nên khủng khiếp. Kết thúc vở kịch, mọi sự thật đã được làm sáng tỏ. Thương và Tâm – con gái ông Tư đều bị ép uổng đến chết. Chỉ có Thi là may mắn thoát chết. Với gương mặt xấu xí vì tai nạn ấy, Thi thay tên đổi họ thành Sún trở lại ngôi nhà của ông bà hội đồng để trả thù… Nhưng khi vạch mặt được người xấu thì Thi cũng nhận ra trả thù rồi cũng chẳng làm cho người chết sống lại và hận thù càng thêm chất chồng bởi “ác giả thì ác báo”…
Vì là vở kịch kinh dị nên đạo diễn Hồng Vân đã phối hợp cùng họa sĩ  để “thiết kế” không khí ma quái qua một chiếc gương lớn. Các chiêu “hù” khán giả cũng đặc biệt và bất ngờ hơn từ những chiếc bóng trắng, không gian mờ ảo, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng… Các diễn viên cũng rất thành công khi thể hiện nhân vật của mình.
Thái úy Lý Thường Kiệt lên kịch
Sau Bí mật Lệ Chi viên thì Ngàn năm tình sử (tác giả: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) là vở kịch lịch sử tâm huyết thứ hai của Sân khấu IDECAF. Vở được dàn dựng hoành tráng, công phu; phần âm nhạc được chọn lọc kỹ lưỡng phối hợp với sự nhập vai xuất thần của các diễn viên đã tạo nên một khúc bi ca lãng mạn về cuộc đời huyền thoại lẫy lừng của Lý Thường Kiệt 1.000 năm trước…
Ngay từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã bộc lộ nhiều tài năng của mình, trong đó tài đánh võ múa kiếm được xem là xuất chúng. Ông yêu Thuận Khanh – người con gái cùng làng, hai người đã từng thề non hẹn biển. Nghe theo lời người cha đỡ đầu Thái sư Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt đầu quân về triều đình, hẹn người yêu hai năm sẽ trở về cưới. Nhưng ngày ông trở về thì Thuận Khanh đã bị tên gian thương Lý Sâm bắt mang về làm cung nữ cho nhà vua. Để có cách gặp được người yêu trong cung, ông chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận làm thái giám, chôn giấu niềm đau của riêng mình… Sau sự kiện cứu vua thoát khỏi bọn thích khách, ông được vua tin tưởng giao cho chức Thái úy. Hàng đêm, ông ôm cây sáo hướng về hậu cung thổi khúc Lương Châu da diết mà ông từng thổi cho Thuận Khanh nghe. Và sau 24 năm mòn mỏi chờ đợi, Thuận Khanh đã nghe được tiếng sáo ấy. Cả hai vừa mới nhìn nhau thì triều đình có biến cố… Nhà vua băng hà, Lý Đạo Thành tôn hoàng hậu Thượng Dương lên ngôi nhiếp chính. Lý Thường Kiệt không tán thành việc này, nhưng cũng không muốn phản bội lại người cha nuôi của mình nên đã cam tâm về nhận chức quan nhỏ ở vùng xa xôi. Triều đình rối loạn, “chia năm xẻ bảy” trong tay thái hậu Thượng Dương, người dân nơi nơi thỉnh cầu Lý Thường Kiệt trở về dẹp loạn. Khi chinh chiến tan, đất nước thái bình thì Thuận Khanh đã lên chùa quy y, Lý Thường Kiệt về lại quê xưa, tóc nhuộm bạc, chèo thuyền trên con sông cũ. Tình yêu của họ mãi mãi thuần khiết dù phải gánh chịu nhiều nỗi đau. Với Ngàn năm tình sử, một lần nữa Thành Lộc đã thể hiện được tài năng độc đáo của mình khi cho ra những lớp dựng nhiều sáng tạo mới mẻ cùng khả năng diễn xuất tuyệt vời trong vai thái úy Lý Thường Kiệt. Anh đã đưa khán giả đi theo câu chuyện dài ba giờ đồng hồ mà không hề thấy chán và mệt. Với lối diễn xuất tinh tế, có nghề, Thanh Thủy đã tiết chế những nỗi đau của Thuận Khanh vừa đủ, không gào thét và không cố tình rơi nước mắt. Vở còn có sự tham gia của Hữu Châu, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Tuấn Khôi, Đình Toàn, Đại Nghĩa…
MAI THỦY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)